Sơn La: Yêu cầu các cơ sở chế biến nông sản lắp camera giám sát hệ thống xử lý chất thải

Nguyễn Nga| 16/08/2021 21:48

(TN&MT) - Đây là một trong những nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh Sơn La tại Công văn số 2348/UBND-KT, về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước đối với hoạt động chế biến nông sản, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh năm 2021.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với các cơ sở chế biến nông sản.

Theo đó, để chủ động phòng ngừa, kiểm soát, tăng cường công tác bảo vệ môi trường đối với hoạt động chế biến nông sản, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở TN&MT tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chế biến nông sản, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19. Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở chế biến nông sản, chăn nuôi thuộc đối tượng lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (hoặc tương đương) thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong quá trình hoạt động sản xuất.

Tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và các lĩnh vực có liên quan đối với các cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh thuộc đối tượng lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Gồm 7 đơn vị là: Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cát Quế; Công ty Cổ phần cà phê Phúc Sinh Sơn La; Hợp tác xã xây dựng và phát triển nông thôn Mường Chanh; Công ty Cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La; Chi nhánh Công ty Cổ phần tinh bột sắn Phú Yên - Nhà máy chế biến tinh bột sắn Mai Sơn; Công ty TNHH xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến; Công ty Cổ phần mía đường Sơn La. Thời gian kiểm tra, giám sát đến hết tháng 5/2022.

Công an tỉnh chủ động phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành trong công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước và công trình cấp nước. Triển khai các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động chế biến nông sản, chăn nuôi.

Yêu cầu các cơ sở chế biến nông sản lắp đặt camera giám sát tại hệ thống xử lý chất thải.

UBND các huyện, thành phố rà soát, dự báo, đánh giá sản lượng nông sản, đặc biệt là cà phê, tinh bột sắn, mía đường... Lập danh sách số lượng các cơ sở, hộ gia đình, hộ kinh doanh dự kiến sẽ tiến hành hoạt động chế biến nông sản niên vụ 2021- 2022. Với cơ sở thuộc đối tượng được miễn đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường phải yêu cầu các cơ sở quản lý, xử lý chất thải và các nghĩa vụ khác về bảo vệ môi trường theo quy định.

Đối với các cơ sở dự kiến sẽ hoạt động chế biến nông sản, UBND cấp huyện tổ chức kiểm tra hiện trạng, đánh giá các điều kiện để phục vụ hoạt động sản xuất, các cơ sở chỉ được phép hoạt động khi đáp ứng đầy đủ các hồ sơ pháp lý về đăng ký kinh doanh, bảo vệ môi trường...; phải có các công trình thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải, công trình bảo vệ môi trường đảm bảo xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, đặc biệt là các cơ sở nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt. Yêu cầu các cơ sở dự kiến sẽ chế biến nông sản niên vụ 2021-2022 phải lắp đặt hệ thống camera giám sát tại hệ thống xử lý chất thải, truyền dữ liệu về Phòng TN&MT cấp huyện để thực hiện giám sát và phải đăng ký quy mô, công suất hoạt động chế biến niên vụ 2021-2022 với UBND cấp xã.

Rà soát việc tổ chức ký cam kết và đánh giá kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên nước giữa Chủ tịch UBND cấp huyện với Chủ tịch UBND cấp xã và các cơ sở chế biến nông sản, chăn nuôi trên địa bàn, trường hợp để xảy ra ô nhiễm môi trường, nguồn nước từ hoạt động của các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường, chủ cơ sở và Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ tịch UBND cấp huyện.

Thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với các cơ sở chế biến nông sản, chăn nuôi hộ gia đình, hộ kinh doanh quy mô nhỏ thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện đã cấp Giấy xác nhận đăng ký; kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đối tượng được miễn đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Báo cáo kết quả thực hiện với UBND tỉnh (qua Sở TN&MT) định kỳ trước ngày 10 hàng tháng. Thời gian báo cáo từ tháng 9/2021 đến hết tháng 5/2022.

Công an TP Sơn La triển khai ký cam kết với các chủ cơ sở sản xuất, chế biến cà phê về việc chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước đối với hoạt động sơ chế quả cà phê tươi.

Tại Công văn này, UBND tỉnh Sơn La cũng yêu cầu Công ty Cổ phần cấp nước Sơn La thực hiện nghiêm các nội dung yêu cầu tại các Giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước đã được cấp. Có phương án bảo vệ nguồn cấp nước sinh hoạt, tổ chức rà soát, kiểm tra lại mốc giới phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt đối với công trình khai thác nước. Xây dựng quy trình, phương án ứng phó, bố trí sẵn sàng các điều kiện khắc phục khi xảy ra các sự cố ô nhiễm nguồn cấp nước để đảm bảo an ninh nguồn nước cấp cho sinh hoạt. Có phương án khai thác nguồn nước khác để thay thế trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm. Bồi thường khi gây thiệt hại cho khách hàng sử dụng nước theo quy định của pháp luật.
Thường xuyên theo dõi, giám sát, cập nhật đầy đủ tình hình ô nhiễm phía thượng lưu nguồn nước và tại khu vực khai thác nước. Trường hợp phát hiện dấu hiệu bất thường về chất lượng nước, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước thì phải dừng việc khai thác, báo cáo UBND tỉnh và các Sở, ngành liên quan để kịp thời giải quyết theo quy định.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động chế biến nông sản, chăn nuôi chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong hoạt động sản xuất, chỉ được phép hoạt động khi đã có đầy đủ thủ tục về môi trường: Báo cáo ĐTM, Kế hoạch BVMT được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận;
Đầu tư, xây dựng công trình xử lý chất thải, công trình bảo vệ môi trường đảm bảo xử lý chất thải phát sinh đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; lập hồ sơ vận hành thử nghiệm và kiểm tra xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo báo cáo ĐTM được phê duyệt theo quy định trước khi đưa dự án đi vào vận hành chính thức. Mọi hình thức xả trực tiếp nước thải, chất thải rắn từ hoạt động chế biến nông sản, chăn nuôi chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra ngoài môi trường là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Yêu cầu các cơ sở chế biến nông sản lắp camera giám sát hệ thống xử lý chất thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO