Báo cáo nhanh kết quả xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Tính tới hết tháng 7, giá trị nông sản xuất khẩu ước đạt 83 triệu USD, đạt 104% so với kế hoạch năm 2018, gấp 1,2 lần so với thực hiện năm 2017.
Trong đó, sản phẩm xoài đạt 2.200 tấn, xuất khẩu sang thị trường Úc, Dubai, Trung Quốc, giá trị đạt 1.100 nghìn USD, tăng gấp 6,8 lần so với kế hoạch năm 2018. Sản phẩm nhãn trong tháng 7 ước đạt 500 tấn, xuất sang thị trường Du Bai, Trung Quốc, giá trị đạt 500.000 USD. Sản phẩm chanh leo 500 tấn xuất khẩu sang EU (Pháp), Trung Quốc, giá trị ước đạt 650.000 USD. Ngoài ra, còn nhiều sản phẩm nông sản khác xuất khẩu đạt giá trị cao gồm chuối, thanh long ruột đỏ, rau các loại, chè khô, cà phê nhân, tơ tằm, ngô…
Để có kết quả trên, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La đã tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó xuất khẩu là khâu đột phá. Việc thực hiện hiệu quả kế hoạch xuất khẩu, góp phần tác động tương hỗ, bình ổn giá cả, thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân. Tỉnh Sơn La đã giao Công ty TNHH MTV Thanh Tùng làm doanh nghiệp đầu mối, phối hợp với các doanh nghiệp ngoài tỉnh, các HTX trong tỉnh khắc phục khó khăn, hạn chế, tạo chuỗi khép kín trong sản xuất, cung ứng, tiêu thụ, góp phần thực hiện xuất khẩu nông sản đạt kết quả khá.
Bên cạnh đó, công tác quản lý vùng nguyên liệu đã có nhiều chuyển biến tích cực, đẩy mạnh áp dụng quy trình sản xuất an toàn VietGap, GlobalGap, các quy trình sản xuất được giám sát chặt chẽ. Hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu nông sản được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực, hiệu quả của các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh Bản như Lào Cai, Lạng Sơn, các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp có kinh nghiệm, có đối tác thị trường… Đã có thêm mặt hàng xuất khẩu mới là thanh long ruột đỏ và xoài miếng, góp phần quan trọng thực hiện thành công kế hoạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Tuy nhiên, vùng nguyên liệu xuất khẩu còn phân tán, giống cây chưa đồng đều, số lượng diện tích được cấp mã vùng trồng, sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn an toàn còn thấp so với tổng diện tích. Khâu thu hoạch, bảo quản, sơ chế, nhãn, mác phục vụ xuất khẩu còn hạn chế, chi phí vận chuyển cao. Chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp của tỉnh tham gia xuất khẩu. Doanh nghiệp, HTX trong tỉnh chưa có đối tác tiêu thụ bền vững, kinh nghiệm xuất khẩu còn hạn chế…
Trong 5 tháng cuối năm 2018, tỉnh Sơn La phấn đấu giá trị nông sản xuất khẩu vượt kế hoạch trên 25%, đạt 30 triệu USD, sản lượng đạt khoảng 29.000 tấn, cả năm 2018 đạt trên 110 triệu USD. Phấn đấu tiêu thụ nông sản sản xuất niên vụ 2018 trên cả 3 thị trường trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu. Trong đó, sản phẩm nhãn xuất khẩu khoảng 5.000 tấn quả tươi, giá trị ước đạt 100 tỷ đồng; xuất khẩu 200 tấn quả nhãn sấy, giá trị ước đạt 300 tỷ đồng; chanh leo 500 tấn, giá trị ước đạt 15 tỷ đồng; cà phê nhân 6.000 tấn, giá trị ước đạt 230 tỷ đồng; chè 4.000 tấn, giá trị ước đạt 170 tỷ đồng…
Thị trường xuất khẩu nông sản là Australia, Trung quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức…
Để đạt được kết quả trên, tỉnh Sơn La sẽ tập trung rà soát vùng nguyên liệu phục vụ tiêu thụ, xuất khẩu, trong đó chú trọng sản phẩm nhãn trong tháng 8, 9. Hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật, quy trình thu hoạch, chế biến, bảo quản, quản lý chất lượng nông sản phục vụ tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất quả đảm bảo về tiêu chuẩn, chất lượng. Tiếp tục cấp trên 1 triệu tem nhãn điện tử thông minh nhận diện và truy xuất nguồn gốc cho 34 sản phẩm của 36 doanh nghiệp, HTX.
Tại hội nghị, các đại biểu đã chúc mừng những kết quả nổi trội của tỉnh Sơn La trong công tác xuất khẩu nông sản thời gian qua. Đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm, thảo luận về những khó khăn, hạn chế, vướng mắc còn tồn tại trong quá trình thu hoạch, vận chuyển, xuất khẩu các sản phẩm nông sản của tỉnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhấn mạnh: Trong 5 tháng còn lại của năm 2018, các cấp, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, HTX cần tập trung tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nhãn, bơ, thanh long, sơn tra, cà phê. Triển khai xây dựng thương hiệu 12 sản phẩm nông sản như kế hoạch đã đề ra. Tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo chuẩn VietGap, GlobalGap. Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào hoạt động các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn. Cần có hợp đồng nguyên tắc giữa các doanh nghiệp với các HTX về vùng trồng và cung cấp giống cây trồng. Sớm có thử nghiệm để đưa một số cây trồng mới vào canh tác như ngô ngọt, dứa đồng giao… Tiếp tục đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ tỉnh cấp mã vùng trồng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu nông sản vào một số thị trường khó tính. Khẩn trương xây dựng kế hoạch xuất khẩu nông sản năm 2019, có thiết kế về bao bì, sản phẩm để từng bước đưa nông sản Sơn La mang thương hiệu quốc gia…