Sơn La: Xăng sinh học E5 – Nguy cơ "chết yểu"

31/08/2016 00:00

(TN&MT) - Từ ngày 1/12/2015, xăng sinh học E5, còn được coi là loại xăng thân thiện với môi trường đã được đưa vào tiêu thụ tại thị trường Sơn La. Tuy nhiên, sau 9 tháng triển khai, việc kinh doanh xăng E5 đang đối diện nguy cơ “chết yểu”, khi người tiêu dùng không quan tâm, doanh nghiệp không mấy mặn mà vì chi phí đầu tư quá lớn.

Người dân Sơn La chưa quan tâm tới sử dụng xăng sinh học E5.
Người dân Sơn La chưa quan tâm tới sử dụng xăng sinh học E5.

Người tiêu dùng thờ ơ

Ngày 30/12/2014, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành quyết định số 3611/QĐ-UBND về kế hoạch triển khai lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống trên địa bàn tỉnh. Theo đó, xăng E5 được đưa vào tiêu thụ từ 1/12/2015 và xăng E10 từ ngày 1/12/2017. Các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục kinh doanh, cung ứng sản phẩm xăng khoáng (Ron 92, Ron 95) cùng xăng sinh học E5 theo lộ trình giảm dần thích hợp.

Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ và lộ trình của UBND tỉnh, ngày 1/12/2015, Chi nhánh Xăng dầu Sơn La chính thức triển khai kinh doanh xăng E5 tại Cửa hàng Xăng dầu số 2 Tô Hiệu (thành phố Sơn La), và Cửa hàng Xăng dầu số 5 Mai Sơn (thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn).

Tuy nhiên, sau 9 tháng triển khai, tỷ lệ tiêu thụ loại xăng này đang rất thấp. Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Cửa hàng trưởng Cửa hàng Xăng dầu số 2 Tô Hiệu cho biết: Mỗi tháng cửa hàng chỉ bán được khoảng 12.500 lít xăng. Đối tượng khách hàng chính là những người mua xăng về bán lẻ lại trong các xã, bản, và một số hãng taxi cũng hay đổ để tiết kiệm một phần chi phí.

“Khách hàng vào đây thường không yêu cầu loại xăng gì, tiện họ dựng xe ở cột xăng nào thì nhân viên đổ luôn cho khách loại xăng đó. Chúng tôi cũng thường xuyên tiến hành tuyên truyền, treo băng rôn, khẩu hiệu về tác dụng của xăng E5, nhưng hiệu quả tiêu thụ vẫn không cao” – ông Hoàn cho biết thêm.

Nguyên nhân có rất nhiều, nhưng chủ yếu, việc tiêu thụ chậm loại xăng này là do tâm lý khách hàng còn nhiều e ngại, nếu thay đổi loại xăng có thể gây ảnh hưởng tới động cơ. Cộng thêm, mức chênh lệch giá giữa các loại xăng không nhiều, nên không hấp dẫn được người tiêu dùng.

Ông Đinh Thanh Lương, Phường Chiềng Xôm, thành phố Sơn La cho biết: Từ trước tới nay tôi dùng xăng 92 đã quen, nên tôi cũng không mấy quan tâm đến loại xăng mới này. Giá cả không chênh nhau là bao, mà tôi thường xuyên phải đi lại đường xa, nên tôi vẫn muốn sử dụng loại xăng cũ cho yên tâm.

Thiếu cơ chế hỗ trợ phát triển

Ông Nguyễn Văn Cương, Phó Giám đốc Chi nhánh Xăng dầu Sơn La cho biết: Tỷ lệ tiêu thụ xăng E5 ở 2 cửa hàng của chi nhánh chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng lượng xăng bán ra, và bằng 0,7% so với nhu cầu tiêu thụ. Trong 7 tháng đầu năm 2016, lượng xăng bán ra vỏn vẹn... 280m3.

“Khi triển khai kinh doanh xăng E5, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, do chi phí đầu tư công nghệ, bồn chứa, vận chuyển, chi phí bảo quản, hao hụt, tuyên truyền, quảng bá... phát sinh lớn. Nếu như chỉ đứng trên góc độ lợi nhuận của doanh nghiệp, chúng tôi cũng chưa muốn kinh doanh loại xăng này, vì còn nhiều vướng mắc từ cơ chế chính sách đến khâu tiêu dùng” – ông Cương cho biết thêm.

Bên cạnh đó, cơ chế hỗ trợ của tỉnh Sơn La với doanh nghiệp kinh doanh xăng E5 chưa có, nên các doanh nghiệp đều không mặn mà. Ông Nguyễn Chí Dũng, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương tỉnh Sơn La thông tin: Hiện toàn tỉnh Sơn La có hơn 100 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, nhưng tới nay vẫn chỉ có 2 cửa hàng của Chi nhánh Xăng dầu Sơn La triển khai kinh doanh xăng E5.

Cái khó lớn nhất hiện nay là thiếu hụt cơ sở vật chất, các doanh nghiệp khác không có điều kiện đầu tư triển khai đồng bộ. Cộng thêm, nguồn nguyên liệu cung cấp xăng thiếu hụt, số điểm bán xăng hạn chế... khiến người dân dù có biết đến ưu điểm của xăng E5 nhưng cũng không muốn mất công để tìm nơi bán.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh lượng tiêu thụ xăng E5, Sở Công thương Sơn La sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác tuyên tuyền đến doanh nghiệp, người tiêu dùng, tiếp tục triển khai kinh doanh xăng E5 theo lộ trình đã đề ra.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, đây là một bài toán khó với tỉnh Sơn La, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách ưu tiên, đặc thù cho các doanh nghiệp tham gia kinh doanh xăng E5. Công tác tuyên truyền, phổ biến về những ưu điểm của xăng sinh học E5 tới người dân cần được thực hiện đồng bộ, lâu dài, bằng nhiều hình thức phong phú, để người dân trực tiếp sử dụng, hiểu rõ ưu điểm của loại xăng này.

Bài & ảnh: Nguyễn Nga

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Xăng sinh học E5 – Nguy cơ "chết yểu"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO