Những năm qua, nuôi trồng thủy sản tại tỉnh Sơn La đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần giảm nghèo, tạo thu nhập và việc làm cho một bộ phận lao động, đóng góp tích cực cho kinh tế nông nghiệp. Song, môi trường nuôi trồng thủy sản đang bị suy thoái và có chiều hướng gia tăng, khó kiểm soát, vấn đề ô nhiễm nguồn nước do nước thải sinh hoạt, nước thải nông nghiệp và nước thải công nghiệp, cũng như hoạt động nuôi trồng không ngừng phát triển đã làm gia tăng dịch bệnh thủy sản; việc tăng cường quản lý để kiểm soát môi trường và dịch bệnh là vấn đề cấp bách.
Công tác quan trắc môi trường vùng nuôi trồng thủy sản sẽ giúp cung cấp thông tin kịp thời, dự báo diễn biến môi trường vùng nuôi, mùa vụ nuôi, kế hoạch phòng tránh dịch bệnh, giúp cho cơ quan quản lý trong việc quy hoạch vùng nuôi trồng và định hướng phát triển ngành thủy sản. Cùng với đó, giúp kiểm soát chất lượng nước, chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, các biện pháp xử lý môi trường phù hợp, giúp tăng hiệu quả, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, phát triển thủy sản bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội.
Theo kế hoạch, đối tượng quan trắc là vùng nuôi cá lồng tập trung từ 1.000m3 trở lên. Đồng thời, thực hiện quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình và Sơn La nhằm đánh giá hiện trạng chất lượng nước vùng nuôi, đánh giá sự ảnh hưởng của hoạt động nuôi cá lồng tới môi trường xung quanh, từ đó, cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý kịp thời chỉ đạo sản xuất hiệu quả.
Thời gian quan trắc trong giai đoạn 2022-2025, tại 6 điểm quan trắc/năm, gồm: 2 điểm tại huyện Quỳnh Nhai; 2 điểm tại huyện Mường La; 1 điểm tại huyện Phù Yên; 1 điểm tại huyện Mộc Châu.
Mẫu được thu cố định vào 2 thời điểm: Từ 5 - 7h sáng và 14h - 15h chiều. Các thông số quan trắc gồm: Nhiệt độ nước, pH, DO, độ kiềm, COD, H2S, N-NH4+ , P-PO4 3- , N-NO2 - , N-NO3 - , TSS, mật độ và thành phần tảo độc quan trắc với tần suất 4 lần/tháng; vi khuẩn Aeromonas spp, Streptococcus sp, Coliform, thực vật phù du tần suất quan trắc 2 lần/tháng; thuốc bảo vệ thực vật, nhóm kim loại nặng (Cd, Pb và Hg) quan trắc tối thiểu 3 - 5 lần/năm.
Trong đó, với các chỉ tiêu nhiệt độ nước, oxy, pH đo bằng máy đo tại hiện trường điểm quan trắc. Các chỉ tiêu còn lại được phân tích tại phòng thí nghiệm.
Được biết, các điểm quan trắc sẽ được ghi lại tọa độ GPS thể hiện trên bản đồ. Dựa trên kết quả phân tích các chỉ tiêu quan trắc thông báo đến cơ quan quản lý thủy sản cấp huyện, UBND xã vùng quan trắc và các đơn vị có liên quan bằng văn bản và các phương tiện thông tin đại chúng, định kỳ 1 lần/tháng theo số lần quan trắc. Đồng thời, sẽ công bố kết quả quan trắc trên trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT, giúp người nuôi cập nhật thông tin kịp thời, giảm thiểu rủi ro, phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng.