Dự kiến đến khoảng 21 giờ ngày 12/10 sẽ tạm thông tuyến Quốc lộ 37 (đoạn đi qua địa phận hai huyện Bắc Yên và Phù Yên) cho xe có trọng tải nhỏ đi qua. |
Phù Yên vẫn đang bị cô lập
Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt mưa lũ này, tới chiều 12/10, thị trấn Phù Yên vẫn đang trong tình trạng mất điện, bị cô lập hoàn toàn. Bên cạnh đó, toàn huyện có 21 bản bị cô lập với trung tâm các xã. Dọc tuyến Quốc lộ 37 thuộc địa bàn các xã Huy Thượng, Huy Bắc, Huy Hạ, Tường Phù, Gia Phù… nhiều chỗ bị đất, đá sạt lở, vùi lấp.
Mưa lũ cũng làm 2 người chết, 3 người bị thương. 115 nhà bị sạt lở, sập đổ và cuốn trôi hoàn toàn, 34 nhà có nguy cơ sạt lở; 4 xe máy bị cuốn trôi;12 thuyền máy bị chìm; 4 điểm trường bị sạt lở và ngập lụt; 278 ha lúa, 15 ha ngô, 24 ha nuôi thủy sản bị ngập úng và mất trắng; hàng chục con gia súc bị chết và cuốn trôi... Ước tổng thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Hiện nay, các đơn vị đang gấp rút thi công, huy động tối đa nhân lực, máy móc để khắc phục những đoạn đường bị ảnh hưởng, sớm nối lại giao thông giữa hai huyện Bắc Yên và Phù Yên.
Tới chiều 12/10, thị trấn Phù Yên vẫn đang trong tình trạng mất điện, bị cô lập hoàn toàn. |
Ông Hoàng Mạnh Tiến, Hạt trưởng Hạt quản lý Hạt 237, Công ty Quản lý đường bộ 2, huyện Phù Yên cho biết: Đối với điểm cầu Suối Bùa, đơn vị sẽ thả rọ đá, làm đường cấp phối tại chỗ để đảm bảo giao thông tạm thời. Công ty đã huy động 10 máy xúc, triển khai thông đồng loạt trên quốc lộ 37 là 4 mũi thi công và huy động trên 200 nhân lực để thông đường, đảm bảo giao thông. Dự kiến đến khoảng 21 giờ ngày 12/10 sẽ tạm thông tuyến Quốc lộ 37 (đoạn đi qua địa phận hai huyện Bắc Yên và Phù Yên) cho xe có trọng tải nhỏ đi qua.
Theo Sở Giao thông vận tải Sơn La, trên quốc lộ 43 đoạn từ ngã ba Gia Phù, xã Gia Phù, huyện Phù Yên đi huyện Mộc Châu dự kiến thông xe vào 17h ngày 14/10/2017.
Bắc Yên thiệt hại nặng nhiều tuyến đường
Tại huyện Bắc Yên, mưa lũ cũng làm nhiều tuyến đường bị hư hỏng nặng. Theo báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện, tuyến đường Xím Vàng –Hang Chú có 4 vị trí sạt sụt ta luy dương gây khó khăn đi lại cho các phương tiện tham gia giao thông. Tuyến đường Tà Xùa – Háng Đồng đang sạt sụt 13 vị trí gây tắc đường hoàn toàn trên tuyến và còn nhiều vị trí đang có nguy cơ tiếp tục sạt sụt.
Tuyến đường Cao Đa - Chim Vàn - Pắc Ngà bị sạt lở, trôi kè rọ thép, xói mòn mặt đường nhiều vị trí xe máy đi lại khó khăn, không đi được ô tô. Tuyến đường Mường Khoa – Tạ Khoa bị sạt lở 4 vị trí và nhiều điểm bị xói mòn mặt đường chỉ đi được xe máy. Tuyến đường Quốc lộ 37 – Hua Nhàn – Tạ Khoa bị sạt lở 7 vị trí và nhiều vị trí bị xói mòn mặt đường chỉ đi được xe máy, không đi được ô tô.
Tổng thiệt hại trên các tuyến đường tại huyện Bắc Yên ước tính hơn 8 tỷ đồng.
Mưa lũ đã khiến Sơn La thiệt hại hơn 59 tỷ đồng |
Toàn tỉnh thiệt hại hơn 59 tỷ đồng
Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Sơn La, tính đến 17 giờ ngày 12/10, mưa lũ tại Sơn La đã làm 6 người chết, 2 người mất tích và 3 người bị thương. Thiệt hại nặng nhất tại 3 huyện Phù Yên, Mường La, Vân Hồ.
50 nhà bị sập đổ cuốn trôi, 194 nhà bị sạt lở, 43 nhà bị ngập nước, 142 nhà phải di dời khẩn cấp. Mưa lũ đã làm thiệt hại hơn 550 ha lúa, 110 ha hoa màu và hơn 300 con gia súc, gia cầm; hơn 50ha ao cá... Cùng với đó là nhiều công trình hạ tầng điện, đường, trường, trạm và hệ thống thủy lợi bị hư hỏng nặng.
Ước tổng thiệt hại ban đầu khoảng hơn 59 tỷ đồng.
Do nhiều nơi giao thông vẫn đang bị chia cắt nên công tác khắc phục, cứu trợ đến nay tiếp tục gặp nhiều khó khăn |
Ngay sau khi lũ quét xảy ra, các cơ quan chức năng tại các địa phương đã lập các đoàn công tác xuống những địa điểm bị ảnh hưởng để chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các địa phương khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ”. Trước mắt, hỗ trợ cho nhà có người bị thiệt hại, huy động các lực lượng tìm kiếm người mất tích. Giúp đỡ người dân di dời tài sản, sửa chữa, khôi phục nhà cửa. Phát nhà bạt, gạo, mỳ tôm, quần áo cho những hộ bị sập nhà. Di chuyển những hộ có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Chỉ đạo các đơn vị giao thông huy động phương tiện, máy móc khắc phục các điểm sạt lở; có phương án thông tuyến, đảm bảo lưu thông thuận tiện. Kịp thời công tác khắc phục hậu quả cho các xã đang bị cô lập.
Tuy nhiên, do nhiều nơi giao thông vẫn đang bị chia cắt nên công tác khắc phục, cứu trợ đến nay tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, nhiều bản bị cô lập nên việc huy động nhân lực vào ứng cứu và di chuyển những hộ có nguy cơ cao bị sạt lở, lũ cuốn càng gặp khó.
Nguyễn Nga