Sơn La: Thí điểm quản lý, bảo vệ rừng bền vững tại 4 lưu vực thủy điện nhỏ
(TN&MT) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Quyết định số 1518/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án điểm về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững tại một số lưu vực thủy điện nhỏ.
Đề án được thực hiện tại 4 lưu vực thủy điện nhỏ với 12 thủy điện, gồm: Lưu vực Nậm Chiến, huyện Mường La: Thủy điện Nậm Chiến 1, Nậm Chiến 2, Chiềng Muôn, Pá Chiến; Lưu vực suối Nậm Hồng, huyện Mường La: Thủy điện Chiềng Công 1, Chiềng Công 2, Nậm Pia;
Lưu vực Suối Nậm Chim, huyện Bắc Yên: Thủy điện Nậm Chim 1, Nậm Chim 2, Xím Vàng 2; Lưu vực Suối Sập, huyện Bắc Yên, Phù Yên: Thủy điện Suối Sập 1, Suối Sập 3. Thời gian thực hiện Đề án trong giai đoạn 3 năm 2023-2025.
Theo đó, Sơn La sẽ triển khai thí điểm hình thức chi trả dịch vụ môi trường rừng theo phương thức trả tiền trực tiếp giữa các Doanh nghiệp, nhà máy thủy điện đang sử dụng dịch vụ môi trường rừng ký hợp đồng và chi trả trực tiếp cho các chủ rừng tại một số lưu vực thí điểm.
Xây dựng mô hình điểm tổ chức quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng cho bảo vệ và phát triển rừng tại các lưu vực thủy điện nhỏ trên diện tích hơn 6.700ha.
Theo đó, hơn 5.700ha rừng đặc dụng thuộc Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Mường La giao khoán cho 23 cộng đồng quản lý bảo vệ trên địa bàn xã Ngọc Chiến, huyện Mường La; hơn 900ha diện tích rừng đặc dụng Tà Xùa và diện tích rừng phòng hộ, sản xuất giao cho 4 cộng đồng bản quản lý trên địa bàn xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên.
Trên cơ sở đó, hướng dẫn, vận động các chủ rừng là cộng đồng bản có nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng xây dựng, ban hành Quy chế sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng để quản lý bảo vệ, phát triển rừng, nâng cao đời sống thôn/bản.
Trong đó, định hướng vận động thôn/bản họp cộng đồng, thống nhất tỷ lệ sử dụng tiền dịch vụ môi trường chi cho công tác tuần tra bảo vệ rừng; tuyên truyền bảo vệ rừng; mua sắm phương tiện, dụng cụ, trang phục tuần tra, bảo vệ rừng; chi làm giàu rừng, phát triển rừng; chi hỗ trợ cho vay, cho mượn phát triển sinh kế; chi hoạt động chung của cộng đồng…
Mô hinh điểm thứ 3 là mô hình trồng khôi phục, phát triển rừng đặc dụng, phòng hộ bảo vệ môi trường trên diện tích 556ha tại 3 lưu vực Nậm Chiến, Nậm Hồng, Suối Sập với 9 thủy điện điểm.
Thứ 4, mô hình chuyển đổi từ đất canh tác nương rẫy trồng cây nông nghiệp ngắn ngày sang hỗ trợ trồng các loài cây ăn quả, cây lâm nghiệp phân tán có tác dụng phòng hộ tạo nguồn sinh thủy cho các công trình thủy điện nhỏ. Tổng số cây trồng tại 4 lưu vực gồm 20.000 cây lâm nghiệp bản địa lâu năm như: Giổi ăn hạt, Trám đen….
Cùng với đó, Sơn La dự kiến thí điểm kinh doanh tín chỉ Các-bon rừng theo các chương trình, dự án được UBND tỉnh phê duyệt trên diện tích hơn 64.000 ha, thuộc địa phận các xã, bản trên địa bàn 2 huyện Mường La, Bắc Yên.
Việc triển khai Đề án nhằm từng bước nâng cao chất lượng, tăng độ che phủ rừng, duy trì nguồn sinh thủy ổn định; đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác, sử dụng, vận hành, nhất là trong mùa mưa lũ; đảm bảo nguồn sinh thủy phục vụ cho sản xuất điện năng, sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân.
Huy động các nguồn lực từ các Doanh nghiệp, thủy điện; lồng ghép các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và sử dụng có hiệu quả nguồn thu từ chi trả môi trường rừng để hỗ trợ đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng tại các lưu vực thủy điện nhỏ, góp phần cải thiện sinh kế người dân, phát triển an toàn bền vững các lưu vực thủy điện nhỏ.
Đồng thời, thông qua xây dựng mô hình gắn kết giữa các nhà máy thủy điện tham gia, chia sẻ lợi ích với các cộng đồng địa phương về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, góp phần nâng cao mức độ tham gia của cộng đồng địa phương, hạn chế xung đột tác động đến rừng, bảo vệ môi trường sinh thái các lưu vực thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh.