Sơn La: Tăng cường phối hợp trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

Nguyễn Nga| 23/10/2020 19:18

(TN&MT) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Quyết định số 2246/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Sơn La tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, các huyện, thành phố trong công tác bảo vệ môi trường

Quy chế này quy định nguyên tắc, phương thức, nhiệm vụ và cách thức thực hiện phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Áp dụng với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện bảo vệ môi trường.

Việc phối hợp quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị liên quan, các quy định hiện hành nhằm đảm bảo yêu cầu chuyên môn, chất lượng, thời gian và sự quản lý thống nhất; tránh chồng chéo, trùng lặp và tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…

Trong quá trình phối hợp, phải xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp để làm rõ trách nhiệm về nội dung, kết quả phối hợp; đảm bảo việc phối hợp nhanh, kịp thời, không gây cản trở trong thực hiện nhiệm vụ được giao, không tạo ra kẽ hở trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Các nội dung phối hợp chính gồm: Phối hợp trong xây dựng, ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chương trình, quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ môi trường tỉnh; phối hợp trong tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; phối hợp trong thực hiện các thủ tục hành chính về môi trường; phối hợp trong thanh, kiểm tra về bảo vệ môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, kiến nghị về bảo vệ môi trường; xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh hàng năm sử dụng kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường…

Trong đó, công tác thanh, kiểm tra về bảo vệ môi trường, Sở TN&MT chủ trì thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng lập Báo cáo ĐTM, Kế hoạch bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt/xác nhận của UBND tỉnh/Sở TN&MT.

UBND cấp huyện chủ trì thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng lập Kế hoạch bảo vệ môi trường do UBND cấp huyện xác nhận, các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện.

Ban quản lý các KCN tỉnh có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong thanh, kiểm tra hoạt động về bảo vệ môi trường với các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trong phạm vi KCN tỉnh.

Các cơ quan, đơn vị khi kiểm tra phát hiện hành vi vi phạm vượt quá thẩm quyền, kịp thời báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại địa bàn có hành vi vi phạm để phối hợp giải quyết; trường hợp vượt thẩm quyền thì cơ quan cấp dưới phải báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp chỉ đạo giải quyết.

Trong quy chế phối hợp đã nêu rõ, với cơ sở thuộc thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện, Sở TN&MT có trách nhiệm chuyển nội dung phản ánh về UBND cấp huyện trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phản ánh.

Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Sở TN&MT chủ trì giải quyết với các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng lập Báo cáo ĐTM, Kế hoạch bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền xác nhận của Sở TN&MT.

Với các cơ sở thuộc đối tượng lập Kế hoạch bảo vệ môi trường do UBND cấp huyện xác nhận và các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện, Sở TN&MT có trách nhiệm chuyển nội dung phản ánh về UBND cấp huyện trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phản ánh.

UBND cấp huyện tiếp nhận các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp và chủ trì giải quyết theo thẩm quyền về các vấn đề môi trường trên địa bàn quản lý. Khi tiếp nhận phản ánh do Sở TN&MT chuyển đến, UBND cấp huyện có trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo Sở TN&MT sau 5 ngày kể từ ngày có kết quả giải quyết.

Các sở, ngành có liên quan khi tiếp nhận kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về môi trường thuộc quản lý chuyên ngành thì có trách nhiệm xử lý theo phân cấp hoặc thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để cùng phối hợp tham gia giải quyết theo quy định.

Với việc tiếp nhận thông tin kiến nghị phản ánh về ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng, thực hiện theo Quyết định số 1730/QĐ-TCMT ngày 28/12/2017 của Tổng cục Môi trường. Sở TN&MT là cơ quan đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin kiến nghị, phản ánh qua đường dây nóng.

Trường hợp xác định được đối tượng gây ô nhiễm và thuộc thẩm quyền giải quyết, Sở TN&MT chủ trì giải quyết, xử lý và phản hồi thông tin theo thẩm quyền. Trường hợp xác định được đối tượng gây ô nhiễm và thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, Sở TN&MT chuyển nội dung kiến nghị phản ánh cho UBND cấp huyện giải quyết. Trường hợp chưa xác định được đối tượng gây ô nhiễm, Sở TN&MT chuyển nội dung kiến nghị phản ánh đến cấp huyện thực hiện xác minh thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Tăng cường phối hợp trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO