Sơn La: Rà soát quy hoạch đất đai phục vụ bố trí ổn định dân di cư tự do

Nguyễn Nga| 11/06/2020 16:11

(TN&MT) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Kế hoạch số 126/KH-UBND, tổ chức triển khai thực hiện công tác ổn định dân di cư tự do theo Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 1/3/2020 của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường.

Sơn La giao các địa phương hoàn thành dứt điểm các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do đang thực hiện dở dang (Ảnh minh họa)

Theo đó, Sơn La phấn đấu đến năm 2025, cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do; hoàn thành công tác bố trí toàn bộ số hộ dân đã di cư tự do vào các điểm dân cư theo quy hoạch; hoàn thành việc nhập hộ khẩu, hộ tịch cho các hộ dân di cư tự do đủ điều kiện theo quy định. Phấn đấu đến năm 2030, đảm bảo ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất bền vững cho các hộ dân đã di cư tự do.

Các nội dung chính của kế hoạch gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về ổn định dân di cư tự do. Tổ chức vận động, thuyết phục, vận động đồng bào tích cực tăng gia sản xuất, cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống bền vững để không di cư tự do đi nơi khác.

Về đất đai phục vụ bố trí ổn định dân di cư tự do, triển khai rà soát, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của tỉnh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các huyện, thành phố để bố trí đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân di cư tự do phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và khả năng của ngân sách. Rà soát diện tích đất quy hoạch là đất rừng nhưng thực tế không còn rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với diện tích rừng nghèo kiệt phân bố manh mún trong vùng quy hoạch bố trí dân di cư tự do, nhằm tạo thêm quỹ đất để thực hiện các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do.

Cùng với đó, hoàn thành dứt điểm các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do đang thực hiện dở dang. Tăng cường thực hiện các chương trình, dự án trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Phấn đấu đến năm 2030, đảm bảo ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất bền vững cho các hộ dân đã di cư tự do (Ảnh minh họa)

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực triển khai kế hoạch. Chủ trì, trình UBND tỉnh ban hành Chỉ thị Tăng cường giải quyết tình trạng dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2020 – 2025.

Tổng hợp đề xuất kinh phí triển khai thực hiện của các huyện, thành phố để hoàn thành dứt điểm các dự án di dời, bố trí các hộ dân đang sinh sống phân tán, đặc biệt là các hộ đang sinh sống trong các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ vào các điểm dân cư theo quy hoạch. 

Rà soát, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Sơn La, xác định những diện tích đất, rừng phòng hộ xung yếu; quy hoạch, đưa diện tích đất rừng bỏ hoang, chưa sử dụng hợp lý trước đây, chuyển sang rừng sản xuất để phát huy hiệu quả kinh tế. Trình HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách về bố trí dân cư, đặc biệt là chính sách cho các hộ dân di cư tự do là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn...

Tổ chức triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn thuộc đối tượng dân di cư tự do; cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ, nâng cao thu nhập gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số.

Sở TN&MT chủ trì, xây dựng kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cấp tỉnh; đôn đốc, hướng dẫn các huyện, thành phố lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 cấp huyện và lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện để bố trí đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân. Chỉ đạo, hướng dẫn, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho UBND các huyện, thành phố trong việc bố trí đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân di cư tự do.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Rà soát quy hoạch đất đai phục vụ bố trí ổn định dân di cư tự do
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO