Ảnh minh họa |
UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành quyết định 209/QĐ-UBND về kế hoạch triển khai thực hiện rà soát, chuyển đổi đất, rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất gắn với điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng và chỉnh lý, bổ sung hồ sơ giao đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh Sơn La sẽ tiến hành điều chỉnh cục bộ mục đích quy hoạch 3 loại rừng để cấp GCNQSDĐ lần đầu cho người dân. Việc thực hiện điều chỉnh theo quy định tại Điều 19 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Điều 13 Nghị định 23/2006/NĐ-CP ngày 03/03/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng; Thông tư 05/2008/TT-BNNPTNT ngày 14/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ phát triển rừng.
Quá trình điều chỉnh sẽ bóc tách diện tích đất ở của nhân dân chưa được cấp GCNQSDĐ hiện nay đang được quy hoạch là đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng đưa ra khỏi quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh để thực hiện cấp GCN đất ở. Dự kiến, trong tháng 5-6/2017, các huyện, thành phố sẽ trình UBND tỉnh và đề nghị HĐND tỉnh cho phép điều chỉnh quy hoạch và hoàn chỉnh hồ sơ cấp GCN đất ở lần đầu cho người dân. Việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch chỉ thực hiện với diện tích đất thuộc quy hoạch phòng hộ và đặc dụng là đất chưa có rừng.
Bên cạnh đó, tiến hành rà soát, chuyển đổi đất, rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất. Rà soát, chuyển đổi đất lâm nghiệp chưa có rừng sang đất sản xuất nông lâm nghiệp.
Đồng thời, tỉnh Sơn La sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng cấp tỉnh giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030. Cụ thể, tiến hành điều chỉnh cơ cấu lại tổng thể quy hoạch 3 loại rừng toàn tỉnh; thực hiện rà soát điều chỉnh bổ sung 70.477ha rừng hiện còn đưa vào quy hoạch 3 loại rừng tỉnh giai đoạn 2016-2025, định hướng 2030.
Rà soát đưa ra khỏi quy hoạch lâm nghiệp diện tích đất có cây nông nghiệp; để lại một phần diện tích để tổ chức trồng rừng, trồng cây ăn quả trên đất dốc, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên thành rừng, đảm bảo nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đến năm 2020 đạt 50%; ổn định diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh các năm tiếp theo khoảng 55% diện tích tự nhiên của tỉnh. Trong đó, điều chỉnh diện tích đất sản xuất nông nghiệp thoái hóa, bạc màu nhân dân có nguyện vọng chuyển sang đất lâm nghiệp để trồng và phát triển rừng, trồng cây ăn quả tại các vùng có điều kiện.
Sau khi hoàn thành điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, sẽ thu hồi GCNQSDĐ lâm nghiệp đã cấp của các chủ rừng nằm trong diện tích đất lâm nghiệp có cây nông nghiệp đã được điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch lâm nghiệp. Tổ chức cấp mới GCNQSDĐ lâm nghiệp cho các chủ rừng chưa được giao đất và cấp GCNQSDĐ, đặc biệt là diện tích đất lâm nghiệp có rừng nằm ngoài quy hoạch lâm nghiệp sẽ đưa vào quy hoạch để người dân được hưởng lợi từ rừng.
UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố chủ trì thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch rừng, chuyển đổi đất lâm nghiệp. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp các sở, ngành có liên quan tham mưu giúp UBND tỉnh trong công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch.
Sở TN&MT phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát, chuyển đổi đất lâm nghiệp gắn với điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng. Cung cấp cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 để thực hiện. Chủ trì hướng dẫn thực hiện chỉnh lý biến động, thu hồi, cấp mới GCNQSDĐ theo quy định Luật Đất đai sau rà soát, điều chỉnh chuyển đổi đất lâm nghiệp theo đúng quy hoạch 3 loại rừng.
Được biết, hiện toàn tỉnh Sơn La còn khoảng 25.000 hộ dân đang nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, cần phải điều chỉnh quy hoạch đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để cấp GCN. Do đó, việc điều chỉnh quy hoạch rừng để cấp GCNQSDĐ cho người dân đang là vấn đề hết sức cấp thiết.
Nguyễn Nga