Người dân Sơn La vui vì mùa vụ cà phê được mùa, được giá. |
Sơn La đang là một trong những địa phương có diện tích, sản lượng cà phê chè (Arabica) lớn của cả nước, đây là loại cà phê chất lượng cao, có giá trị thường cao gấp 1,5-2 lần so với cà phê vối (Robuta), được trồng tập trung tại các huyện: Mai Sơn, Thuận Châu, Sốp Cộp, Yên Châu và Thành phố.... Năm 2017, tỉnh đã được cấp chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La” cho các loại sản phẩm: Cà phê nhân sống, cà phê hạt rang và cà phê bột.
Ông Vương Văn Hải, Chủ tịch Hội cà phê tỉnh Sơn La cho biết: Cà phê quả tươi năm nay có giá từ 12.000 - 16.000 đồng/kg, cao điểm lên tới gần 17.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, tỷ lệ nhân cà phê thu được/kg quả tươi thấp hơn so với trung bình nhiều năm trước (7,5-8 kg quả tươi mới được 1 kg nhân). Nguyên nhân là do chăm sóc, thu hái không đúng quy trình, vườn cây già cỗi, lâu năm.
Bên cạnh đó, 100% cà phê chế biến theo phương pháp ướt và nửa ướt. Trong đó, 75-80% chế biến nhỏ trong các hộ dân và các đại lý. Chỉ có 25-30% chế biến tập trung trong các nhà máy của 4 doanh nghiệp lớn, với tổng công suất 50.000-60.000 tấn quả tươi/năm.
Hội Cà phê Sơn La tổ chức họp bàn giải pháp bảo vệ thương hiệu cà phê. |
Do đó, để bảo vệ thương hiệu cà phê Sơn La, Hội cà phê đã yêu cầu chấn chỉnh ngay việc thu mua nguyên liệu cà phê quả tươi chất lượng kém, chỉ thu mua cà phê quả chín, với tỷ lệ xanh non, nổi lép không vượt quá 10%; các doanh nghiệp lớn thu mua cà phê cần định hướng thị trường với giá mua cà phê tốt, giá cao hơn và nói không với cà phê bẩn, cà phê chế biến không đạt yêu cầu.
Đặc biệt, Hội Cà phê Sơn La sẽ là đơn vị đại diện kiểm tra, giám sát các đơn vị tuân thủ cam kết không sản xuất ra cà phê bẩn, cà phê chất lượng thấp, không chế biến gây ô nhiễm môi trường… Định hướng thời gian tới là phát triển cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao, tập trung chế biến sâu, chế biến cà phê hạt rang, cà phê bột, cà phê hòa tan, cà phê lon… phục vụ tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân, gắn với công tác bảo vệ môi trường.
Các địa phương đã có nhiều nỗ lực tăng cường bảo vệ môi trường trong niên vụ cà phê 2021-2022. |
Theo đánh giá của Sở TN&MT Sơn La, qua kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất tại các cơ sở chế biến cà phê tập trung cho thấy, các cơ sở cơ bản có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và các lĩnh vực khác có liên quan.
Với các hộ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, các huyện, thành phố đã thành lập các Đoàn liên ngành tăng cường kiểm tra, giám sát; kiên quyết dừng hoạt động sản xuất với các cơ sở không đảm bảo về môi trường. Nhìn chung, niên vụ cà phê năm nay, các hộ sản xuất đã có nhiều ý thức về đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống xử lý nước thải và hoàn thiện các thủ tục môi trường theo quy định.
Bên cạnh đó, để phát triển thương hiệu cà phê Sơn La, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển vùng nguyên liệu cà phê gắn với chế biến, bảo vệ môi trường.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, phát triển ổn định diện tích cà phê toàn tỉnh 17.000 ha; năng suất bình quân đạt từ 2 - 2,5 tấn cà phê nhân/ha; sản lượng cà phê nhân ước đạt 33.600 tấn; cải tạo, trồng tái canh cà phê đến năm 2025 với diện tích khoảng 8.000 ha; có khoảng 70 - 90% diện tích cà phê cho thu hoạch sản phẩm được áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận. Duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La”. Dự kiến hàng năm xuất khẩu 25.000 - 30.000 tấn cà phê nhân sang thị trường Đức, Mỹ, Brazil, Hà Lan và các nước khu vực Nam Mỹ…
Định hướng đến năm 2030, phát triển cà phê theo hướng tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đầu tư thâm canh bằng giống cà phê mới, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến và bảo vệ môi trường. Mục tiêu ổn định diện tích 16.000 ha; sản lượng cà phê nhân 35.000 tấn/năm; thực hiện tái canh đạt 9.800 ha; phát triển cà phê đặc sản 5.950 ha; phát triển vùng nguyên liệu cà phê đạt các tiêu chuẩn bền vững đạt khoảng 13.500 ha.
Niên vụ 2021-2022, cà phê Sơn La có giá từ 12.000 - 16.000 đồng/kg, gấp đôi so với cùng kỳ. |
Để thực hiện hiệu quả Đề án, UBND tỉnh đã giao các vùng phát triển nguyên liệu cà phê như Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu, Sốp Cộp và thành phố Sơn La thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với diện tích trồng cà phê trên đất có độ dốc lớn; trồng tái canh thay thế diện tích già cỗi không thể ghép cải tạo, ghép cải tạo bằng các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao gắn với thị trường tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp thông minh, đầu tư thâm canh cao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đối với cây trồng như: Sử dụng phân hữu cơ sinh học, tưới tiết kiệm nước... nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong việc chế biến cà phê. Bố trí diện tích đất thu hút các nhà đầu tư xây dựng cơ sở chế biến cà phê tại khu công nghiệp, khu nằm ngoài vùng hành lang bảo vệ nguồn nước hang Tát Tòng, suối Nậm La trên địa bàn các huyện Thuận Châu, Mai Sơn, thành phố Sơn La.