Sơn La nâng cao chất lượng tham mưu, thẩm định báo cáo ĐTM

01/04/2018 00:35

(TN&MT) – Sở TN&MT Sơn la vừa ban hành Kế hoạch 188/KH-STNMT nâng cao chất lượng tham mưu, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), phương án cải tạo phục hồi môi trường với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.      

Tại Hội nghị triển khai Kế hoạch BVMT năm 2018, UBND tỉnh Sơn La đã giao các sở, ngành, UBND các huyện tập trung nâng cao chất lượng, khắc phục hạn chế trong công tác lập, thẩm định, triển khai thực hiện Báo cáo ĐTM.
Tại Hội nghị triển khai Kế hoạch BVMT năm 2018, UBND tỉnh Sơn La đã giao các sở, ngành, UBND các huyện tập trung nâng cao chất lượng, khắc phục hạn chế trong công tác lập, thẩm định, triển khai thực hiện Báo cáo ĐTM.

Theo đó, để nâng cao chất lượng thành viên tham gia hội đồng thẩm định, thành viên hội đồng phải đảm bảo quy định tại Khoản 3, Điều 14 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; Điều 19 Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT. Bổ sung các thành viên tham gia hội đồng là các chuyên gia có kinh nghiệm bên ngoài tại các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan có chức năng phản biện xã hội hoặc chuyên gia độc lập. Ngoài các thành viên chính thức của hội đồng, cần mời thêm các cơ quan có liên quan như Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, Phòng CSMT, Quỹ bảo vệ môi trường, đại diện chính quyền tại địa điểm thực hiện dự án…

Để nâng cao chất lượng thẩm định của các thành viên hội đồng, cơ quan thường trực hội đồng ban hành văn bản xin người tham gia hội đồng kèm chuyển hồ sơ thẩm định và văn bản liên quan gửi cơ quan cần xin người. Cung cấp cho thành viên hội đồng các văn bản quy phạm pháp luật mới, quy chuẩn mới. Bố trí để ủy viên phản biện khảo sát thực địa khi có yêu cầu…

Cơ quan cử thành viên tham gia hội đồng là chuyên gia có kinh nghiệm về môi trường hoặc có kinh nghiệm trong lĩnh vực dự án; chuyển tài liệu đến thành viên dự kiến tham gia để nghiên cứu trước. Với các dự án phức tạp, có tác động môi trường lớn, có thể đề nghị cơ quan thường trực hội đồng họp thảo luận trước khi tiến hành họp chính thức. Chỉ cục Bảo vệ môi trường tỉnh cần tổ chức thẩm định thực địa trong thời gian 5 ngày làm việc khi nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định…

Để nâng cao chất lượng của báo cáo đánh giá tác động môi trường, cơ quan thường trực hội đồng phải thẩm định về năng lực của đơn vị tham gia tư vấn môi trường, có báo cáo thẩm định trình trước hội đồng, kiểm tra tính chính xác và phù hợp với thực tiễn giữa hồ sơ của báo cáo và thực địa.

Cấu trúc, nội dung, yêu cầu của báo cáo ĐTM và phương án cải tạo phục hồi môi trường phải tuân thủ theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn có liên quan. Việc tham vấn cộng đồng, ngoài các thành viên tham gia phiên họp tham vấn, cần có phiếu điều tra và lấy ý kiến của toàn bộ các đối tượng chịu tác động của dự án. Việc lấy mẫu quan trắc, phân tích môi trường phải được chủ dự án chụp ảnh lại quá trình lấy mẫu, phân tích. Ảnh chụp lấy mẫu phân tích, họp tham vấn cộng đồng phải được đính kèm với báo cáo đánh giá tác động môi trường để cơ quan thường trực kiểm chứng.

Việc ban hành Kế hoạch trên nhằm nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường với khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền quyết định và phê duyệt của UBND tỉnh; đảm bảo việc thẩm định đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính, đúng quy định pháp luật, nhanh chóng, chính xác.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La nâng cao chất lượng tham mưu, thẩm định báo cáo ĐTM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO