UBND tỉnh Sơn La đã thành lập Đoàn công tác khảo sát, kiểm tra các vị trí trượt, sạt lở đất đá trước đây tại bản Ngậm. |
Phạm vi thực hiện Dự án là 4,05 km2 bao trùm 3 điểm trượt, sạt lở đất đá tại bản Ngậm, xã Song Pe, huyện Bắc Yên.
Mục tiêu của Dự án nhằm khảo sát chi tiết, đánh giá tổng thể địa chất, làm rõ hiện trạng trượt, sạt lở đất đá tại bản Ngậm, xã Song Pe. Xác định nguyên nhân, đánh giá vai trò của các yếu tố tự nhiên và các yếu tố khác có liên quan đến nguy cơ trượt, sạt lở đất đá trong khu vực điều tra. Khoanh định các vùng có nguy cơ cao và vùng chịu ảnh hưởng của hiện tượng trượt, sạt lở đất đá. Từ đó, đề xuất các giải pháp chi tiết để phòng tránh, giảm thiểu hậu quả và nguy cơ trượt, sạt lở đất đá.
Thời gian thực hiện nhiệm vụ trong năm 2021. Kinh phí thực hiện từ nguồn sự nghiệp kinh tế ngân sách tỉnh năm 2021.
Dự kiến, các sản phẩm chính của nhiệm vụ, gồm: Sơ đồ hiện trạng trượt, sạt lở đất đá khu vực bản Ngậm, xã Song Pe, tỷ lệ 1/5.000 và báo cáo thuyết minh đi kèm; Sơ đồ khoanh vùng nguy cơ và vùng ảnh hưởng của trượt, sạt lở đất đá khu vực bản Ngậm, xã Song Pe, tỷ lệ 1/5.000 và báo cáo thuyết minh đi kèm;
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ “Khảo sát, đánh giá tổng thể khu vực có nguy cơ gây trượt, sạt lở đất đá tại bản Ngậm, xã Song Pe, huyện Bắc Yên” và USB lưu giữ các sản phẩm dạng số.
Theo Sở TN&MT Sơn La, năm 2018, do tác động trượt, sạt lở đất đá tại bản Ngậm, xã Song Pe, huyện Bắc Yên đã phải di chuyển 22 hộ dân ra khỏi khu vực trượt, sạt lở đất đá đến nơi ở mới.
Năm 2019, trước nguy cơ trượt, sạt lở đất đá ảnh hưởng đến đời sống và tài sản của người dân, UBND tỉnh Sơn La đã có Công văn số 2595/UBND-KT ngày 5/8/2019 đề nghị Bộ TN&MT cử Đoàn công tác của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tham gia khảo sát thực địa tại khu vực này.
Kết quả đánh giá hiện trạng, nguyên nhân gây trượt, sạt lở đất đá tại đây theo Công văn số 5404/BTNMT-KHCN ngày 21/10/2019 cho thấy: Bước đầu xác định nguyên nhân xảy ra trượt, sạt lở đất đá tại khu vực bản Ngậm, xã Song Pe, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La hình thành từ sự tổng hợp của các yếu tố tự nhiên, trong đó nguyên nhân do mưa lớn kéo dài nhiều ngày là chủ đạo.
Khu vực người dân bản Ngậm phản ánh có nguy cơ trượt lở đất đá. |
Năm 2021, người dân bản Ngậm tiếp tục phản ánh về tình hình diễn biến trượt, sạt lở đất có nguy cơ xảy ra. Ngày 21/3/2021, UBND tỉnh Sơn La đã thành lập Đoàn công tác khảo sát, kiểm tra các vị trí trượt, sạt lở đất đá trước đây. Qua kiểm tra thực địa, nhận thấy các khu vực đã từng xảy ra trượt, sạt lở đất đá tại bản Ngậm có nguy cơ diễn biến phức tạp, khó lường và cần tiếp tục khảo sát chi tiết, đánh giá tổng thể địa chất khu vực này.
Do sự cấp bách và nguy cơ trượt, sạt lở đất đá, để xác định chính xác nguyên nhân trượt lở và các yếu tố liên quan, từ đó đưa ra các giải pháp giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, UBND tỉnh Sơn La đã có Công văn số 867/UBND-KT ngày 31/3/2021 đề nghị Bộ TN&MT tiếp tục cử Đoàn công tác hỗ trợ tỉnh trong việc khảo sát, đánh giá tổng thể khu vực có nguy cơ gây trượt, sạt lở đất đá tại bản Ngậm, xã Song Pe, huyện Bắc Yên.
Cùng với đó, tỉnh Sơn La đã giao Sở TN&MT triển khai nhiệm vụ đánh giá tổng thể khu vực có nguy cơ gây trượt, sạt lở đất đá tại bản Ngậm. Hiện nay, Sở TN&MT đã ban hành thông báo công khai mời các đơn vị tư vấn có đủ năng lực thực hiện khảo sát, lập Đề cương và Dự toán thực hiện nhiệm vụ gửi về Sở TN&MT để thẩm định.
Ghi nhận 3 khu vực có hiện trượng trượt lở
Trong quá trình khảo sát sơ bộ năm 2019, tại bản Ngậm đã ghi nhận có 3 khu vực đang xảy ra nứt, lún, trượt lở gây thiệt hại đến công trình xây dựng, có nguy cơ tiếp tục gây nguy hiểm đến dân cư, công trình khu vực bản Ngậm, xã Song Pe.
Kết quả khảo sát sơ bộ cũng cho thấy, thành phần đất đá tại các vết nứt chủ yếu là các vật liệu sườn tích, tạo thành các bề mặt san bằng phía trên các sườn dốc gần khu vực dân cư bản Ngậm. Đây là các vật liệu có độ ổn định kém, thành phần đất đá tổng hợp giữa sét, bột, mảnh vụn đá, các vật liệu này có tính chất giữ nước khá tốt, khi gặp mưa bão, mực nước ngầm dâng cao, độ gắn kết giữa các thàn phần giảm, dẫn đến mất ổn định sườn dốc, tăng cao nguy cơ trượt lở đất đá tại khu vực này.
Bên cạnh đó, khu vực bản Ngậm nằm sát bờ sông Đà, nơi có đứt gãy sông Đà cắt qua. Hoạt động của đứt gãy lớn tác động trực tiếp đến các đá hai bên cánh đứt gãy, làm đá bị vò nhàu, nứt nẻ, giập vỡ mạnh, kém ổn định sườn, dễ bị phá huỷ tạo ra các mảnh vỡ, tảng lăn, vật liệu mềm bở và bị rửa trôi tạo thành các bề mặt san bằng trong khu vực.