Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh chủ trì cuộc họp bàn giải pháp khắc phục ô nhiễm nguồn nước sáng ngày 6/12 |
Trước sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt tại Trạm cấp nước số 1 TP Sơn La, để tăng cường thực hiện các giải pháp phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát môi trường, các phòng nghiệp vụ có liên quan, Công an các huyện, thành phố bố trí cán bộ thường trực phối hợp với Đoàn kiểm tra theo Quyết định số 2199/QĐ-UBND ngày 7/10/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh để kịp thời phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về môi trường.
Tiếp tục chỉ đạo phòng, đội nghiệp vụ trực thuộc và Công an cấp huyện trong chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong sơ chế, chế biến nông sản, chăn nuôi.
Sở TN&MT tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm (nếu có) với các cơ sở sản xuất sơ chế, chế biến nông sản, chăn nuôi. Đôn đốc, hướng dẫn UBND cấp huyện tổ chức kiểm tra, giám sát với các cơ sở sản xuất sơ chế, chế biến nông sản, chăn nuôi thuộc đối tượng đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường/Đề án bảo vệ môi trường đơn giản và các hộ gia đình, cá nhân nhỏ lẻ.
Các sở KH&ĐT, Xây dựng, KH&CN, NN&PTNT căn cứ chức năng, nhiệm vụ bố trí cán bộ thường trực sẵn sàng tham gia phối hợp với Đoàn kiểm tra của UBND cấp huyện và Đoàn kiểm tra theo Quyết định 2199 của Chủ tịch UBND tỉnh để thực hiện rà soát, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường. Chủ động tham mưu rà soát việc chấp hành các quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động sơ chế, chế biến cà phê, nông sản, chăn nuôi, phát hiện các dấu hiệu vi phạm và kịp thời tham mưu xử lý theo quy định.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo rà soát việc thẩm định, cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực hoạt động kinh doanh có điều kiện có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (chế biến nông lâm sản, chăn nuôi…) thuộc thẩm quyền quản lý. So sánh đối chiếu với các quy định, kịp thời rà soát thu hồi trong trường hợp không đáp ứng các quy định của pháp luật.
Sơn La kiên quyết dừng hoạt động các cơ sở cà phê không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường |
Chỉ đạo các Đoàn kiểm tra của UBND huyện khẩn trương tổ chức rà soát, kiểm tra, phát hiện các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu xả nước thải/chất thải từ hoạt động sơ chế, chế biến cà phê, chăn nuôi gây nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Tổ chức kiểm tra việc xác nhận đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường/Đề án bảo vệ môi trường đơn giản, việc thực hiện các nội dung theo Kế hoạch bảo vệ môi trường/Đề án bảo vệ môi trường đơn giản đã được phê duyệt. Trường hợp không đảm bảo quy định, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, nguồn nước hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Với các hộ gia đình, cá nhân nhỏ lẻ không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường, yêu cầu dừng các hoạt động sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản.
Đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản, chăn nuôi nhỏ lẻ (hộ gia đình, cá nhân) thực hiện xử lý chất thải rắn, nước thải đảm bảo yêu cầu không gây ô nhiễm môi trường nguồn nước, yêu cầu ký cam kết đảm bảo môi trường trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi.
Chỉ đạo UBND cấp xã, thị trấn tăng cường trách nhiệm trong quản lý, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý kịp thời các cơ sở sản xuất sơ chế, chế biến nông sản, chăn nuôi không đảm bảo yêu cầu về môi trường, nguồn nước.
Chủ động phối hợp với Cty CP Cấp nước Sơn La và các Chi nhánh cấp nước trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát tại khu vực đầu nguồn cấp nước phục vụ sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, cương quyết xử lý các trường hợp xả thải gây ô nhiễm nguồn nước.
Báo cáo kết quả về UBND tỉnh (qua Sở TN&MT) trước ngày 15 và 25 hàng tháng. Trường hợp không có báo cáo, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. Thời gian báo cáo từ nay đến hết ngày 31/5/2021.
Đặc biệt, UBND huyện Thuận Châu và TP Sơn La tiếp tục tổ chức rà soát, thống kê, lập biên bản kiểm tra thực địa với các cơ sở, hộ gia đình đang có hoạt động sơ chế, chế biến cà phê hoặc các cơ sở đã dừng hoạt động nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đình chỉ hoạt động các cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo đúng quy định. Tổng hợp báo cáo kết quả triển khai trước 16h30 hàng ngày với UBND tỉnh (qua Sở TN&MT).
Các cơ sở hoạt động sơ chế, chế biến nông sản, chăn nuôi chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất, chỉ được phép hoạt động khi đã đầy đủ thủ tục về môi trường; đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải, công trình bảo vệ môi trường đảm bảo xử lý chất thải phát sinh đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Lập hồ sơ vận hành thử nghiệm và kiểm tra xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo báo cáo ĐTM được phê duyệt theo quy định trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức.