Ông Đỗ Văn Trụ, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La cho biết: Thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý ô nhiễm nguồn nước cấp nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố Sơn La và huyện Mai Sơn, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường với các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê trên địa bàn huyện Thuận Châu, huyện Mai Sơn và thành phố Sơn La.
Trong 2 ngày 31/7 và 1/8, Đoàn kiểm tra đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật bảo vệ môi trường tại thành phố Sơn La và huyện Thuận Châu.
Tiếp đó, từ ngày 6-7/8, tiến hành kiểm tra đối với 06 cơ sở sơ chế, chế biến cà phê tập trung trên địa bàn thành phố Sơn La và huyện Thuận Châu có nguy cơ cao gây ô nhiễm nguồn nước tại nhà máy nước số 1, gồm 5 hộ kinh doanh: Quàng Văn Hồng, Quàng Văn Tính, Đỗ Thị Thủy, Nguyễn Văn Hân, Nguyễn Thị Diệp và Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cát Quế - Chi nhánh Sơn La.
Tại thời điểm kiểm tra, cả 6 đơn vị chưa chấp hành thực hiện Kết luận thanh tra của Giám đốc Sở TN&MT và Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chánh thanh tra Sở TN&MT; không có hệ thống thu gom nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa; không có hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Ngày 08/8, tiến hành kiểm tra Hợp tác xã xây dựng và phát triển nông thôn Mường Chanh, huyện Mai Sơn. Cơ sở đã được UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, hiện đang triển khai đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cà phê với công suất 100m3/ngày đêm. Hợp tác xã Mường Chanh cam kết: Ngày 20/8/2018 đầu tư xây dựng hoàn thành xong toàn bộ hệ thống xử lý nước thải, chất thải theo đúng hồ sơ, quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; thực hiện vận hành chạy thử, lấy mẫu nước thải phân tích, lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng cấp nước vào, đồng hồ đo lưu lượng nước xả thải. Được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, đủ điều kiện mới tiến hành sản xuất, sơ chế, chế biến cà phê trong niên vụ 2018.
Về dự án nhà máy chế biến sâu tinh chế cà phê từ sản phẩm cà phê Sơn La của Công ty cổ phần cà phê Phúc Sinh, hiện nay công ty đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án. Dự kiến, lắp đặt thiết bị, vận hành chạy thử trước ngày 15/9/2018. Chính thức đi vào hoạt động sản xuất ngày 01/10/2018.
Đối với nhà máy sơ chế, chế biến cà phê Minh Tiến tại bản Sẳng xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La, Sở TN&MT đã có văn bản số 940/STNMT-MT ngày 24/4/2018 yêu cầu công ty khắc phục những tồn tại đã được đoàn kiểm tra kết luận ngày 07/10/2016. Lập đề án bảo vệ môi trường và đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nước thải đối với nhà máy chế biến cà phê tại bản Sẳng. Tuy nhiên đến nay công ty chưa triển khai thực hiện.
Với Công ty cổ phần nông trại xanh Sơn La, hiện đang xây dựng Nhà máy chế biến cà phê tại xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La. Ngày 10/8, Đoàn kiểm tra đã làm việc với đại diện công ty cho thấy tiến độ triển khai thực hiện dự án rất chậm; chưa hoàn thành xong dự án trong giai đoạn 1. Công ty cam kết ngày 30/9/2018 hoàn thiện xong nhà xưởng và các hạng mục công trình phụ trợ để phục vụ sản xuất, sơ chế, chế biến cà phê niên vụ năm 2018.
Bên cạnh đó, tại mỗi huyện, thành phố, Đoàn kiểm tra do các huyện chủ trì đang triển khai tuyên truyền, kiểm tra đối với các hộ sơ chế nhỏ lẻ trên địa bàn.
Trong niên vụ cà phê 2018 - 2019, để khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do sơ chế cà phê bằng phương pháp ướt tại các xã, bản khu vực đầu nguồn nước, Sở TN&MT kiến nghị UBND tỉnh, với 05 hộ kinh doanh và công ty Cát Quế, căn cứ biên bản kiểm tra ngày 6 - 7/8, các cơ sở này không đáp ứng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường nên không cho phép hoạt động sơ chế, chế biến cà phê niên vụ 2018. Chỉ cho phép là đầu mối thu mua, vận chuyển về các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê có đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường.
Đề nghị HTX Mường Chanh, Công ty cổ phần cà phê Phúc Sinh đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án và hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, chất thải; đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường để thu mua quả cà phê, sơ chế, chế biến cà phê trong niên vụ 2018.
Đối với các hộ sơ chế, chế biến cà phê nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình (các hộ gia đình, cá nhân thu hoạch cà phê do mình sản xuất ra thực hiện sơ chế cà phê bằng phương pháp ướt có công suất 1-2 tấn cà phê quả tươi/ngày), lập Kế hoạch bảo vệ môi trường gửi các phòng chuyên môn của xã, huyện thẩm định, trình UBND huyện, thành phố xác nhận, phê duyệt trước khi sản xuất, sơ chế, chế biến cà phê. Lưu giữ toàn bộ lượng nước thải phát sinh trong quá trình sơ chế, tuyệt đối không xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Sử dụng công nghệ sinh học, các nấm, mem vi sinh để ủ, xử lý tái sử dụng toàn bộ lượng nước thải phát sinh trong niên vụ cà phê 2018.
Các công ty, cơ sở, hộ kinh doanh trước khi sản xuất, sơ chế, chế biến cà phê phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước thì mới được hoạt động. Tổ công tác do Sở TN&MT và đại diện các sở, ngành chủ trì sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát, xử lý các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê. Đảm bảo mục tiêu đề ra là không để xảy ra ô nhiễm nguồn nước cấp nước sinh hoạt như năm 2017.
Đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ cước vận chuyển thu mua quả cà phê trong niên vụ năm 2018. Chỉ đạo các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với các công ty, cơ sở chế biến, sơ chế cà phê tổ chức thu mua quả cà phê; bình ổn giá thu mua, tránh lợi dụng ép giá, gây thiệt hại cho người dân như năm 2017.