Theo đó, sẽ tiến hành hỗ trợ 8.073 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cấp cho tỉnh Sơn La cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng theo hướng dẫn tại khoản 1, Văn bản số 613/BTC-TCDT ngày 14/1/2019 của Bộ Tài chính.
Phạm vi thực hiện chính sách tại 5 huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Sốp Cộp, Phù Yên và Bắc Yên. Thời gian thực hiện đề án trong 3 năm, từ 2018-2020. Mức hỗ trợ 15kg gạo/khẩu/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể theo diện tích, số khẩu theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La. Điều kiện nhận hỗ trợ: Có GCNQSDĐ hoặc quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền; thực hiện trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.
Cùng với việc hỗ trợ lương thực, UBND tỉnh giao các cấp, các ngành gắn với việc tổ chức tuyên truyền các quy định, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là Luật Lâm nghiệp năm 2018, có hiệu lực từ 1/1/2019.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hỗ trợ lương thực, đảm bảo đúng đối tượng, diện tích trồng, chăm sóc bảo vệ rừng. Không hỗ trợ với diện tích rừng không đủ điều kiện nghiệm thu thành rừng và các đối tượng đang được hưởng chính sách trợ cấp gạo theo các chương trình, dự án khác.
Tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm, đánh giá hiệu quả của chính sách hỗ trợ; để báo cáo Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, tiếp tục hỗ trợ giai đoạn tiếp theo.
Việc thực hiện kế hoạch là nhằm triển khai Quyết định 1804/QĐ-TTg ngày 21/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lương thực cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh; góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân các dân tộc các huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Sốp Cộp, Phù Yên, Bắc Yên; đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có cuộc sống gắn bó với rừng.
Đề án góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ lương thực cho các hộ dân tự nguyện trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, thay thế nương rẫy trong thời gian chưa có thu nhập từ rừng; từng bước ổn định và cải thiện cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số; góp phần tích cực trong công tác bảo vệ và phát triển rừng; ngăn chặn tình trạng phá, đốt rừng làm nương rẫy. Bảo vệ, cải tạo đất nâng cao độ che phủ của rừng; tăng cường vai trò phòng hộ của rừng đầu nguồn.