Sơn La: Hiệu quả sau 3 năm phủ xanh đất trống bằng cây ăn quả

27/04/2019 13:49

(TN&MT) – Chiều 26/4, Tỉnh ủy Sơn La tổ chức Hội nghị Sơ kết 03 năm thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả và Hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2016-2018.

Ông Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La phát biểu tại Hội nghị
Ông Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La phát biểu tại Hội nghị

Từ năm 2015, Ban thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Thông báo số 121-TB/TU ngày 30/11/2015, về một số chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc đến năm 2020. Xác định người dân là nhân tố trung tâm để ban hành chủ trương, chính sách hỗ trợ, tập trung vận động làm thay đổi tư duy của hộ gia đình; từ đợi Nhà nước hỗ trợ đầu tư, sang chủ động đầu tư phát triển theo định hướng và nhà nước hỗ trợ, giảm dần các khoản hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước.

Ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các DN, HTX và người dân trồng cây ăn quả. Kết quả, đến năm 2018, diện tích cây ăn quả trên toàn tỉnh đạt trên 58.800ha, sản lượng đạt trên 218.000 tấn. Đã xuất khẩu đươc 16 loại nông sản, thực phẩm; xuất khẩu trên 17.500 tấn quả các loại vào thị trường 12 nước.

Trong 2 năm 2017-2018, đã hỗ trợ ghép cải tạo vườn cây ăn quả cho gần 80.000 hộ gia đình, với 4,1 triệu cây. Riêng vùng di dân tái định cư thủy điện Sơn La đã ghép cải tạo vườn tạp cho hơn 17.000 hộ. Từ hiệu quả thực tế của từng gia đình, các hộ đã chủ động đầu tư mở rộng diện tích cây ăn quả giống mới.

Năm 2018, có 41 đơn vị thực hiện quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap, tăng 33 đơn vị so với năm 2015. Đã xây dựng thương hiệu cho 17 sản phẩm nông sản; năm 2019 tiếp tục xây dựng 7 thương hiệu tiếp theo. Từ tháng 3/2017, bắt đầu gắn tem nhãn điện tử thông minh nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh
Ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh

Như vậy, tới hết năm 2018, toàn tỉnh Sơn La có trên 84.000 hộ gia đình sản xuất và kinh doanh cây ăn quả. Nhiều diện tích cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao như chanh leo tím và bơ ghép 600 triệu/ha; xoài ghép 500 triệu/ha; nhãn ghép 360 triệu đồng/ha; na hoàng hậu ghép tới 1 tỷ đồng. Nhờ đó, góp phần nâng cao thu nhập ho các hộ gia đình. GRDP bình quân đầu người 3 năm 2016-2018 tăng 9,17 triệu đồng, tăng 63,2% so với năm 2015; trong đó có khoảng 28.000 hộ gia đình vùng tái định cư thủy điện Sơn La.

Đáng lưu ý, trong 3 năm, đã trồng mới trên 35.000ha cây ăn quả, bằng 5,64% diện tích rừng hiện có; góp phần tăng độ che phủ rừng, đảm bảo môi trường sinh thái và phát triển bền vững, nhất là các đồi trước đây trồng sắn, lúa nương…

Chia sẻ về kết quả thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả, ông Hà Văn Sơn, HTX Nông nghiệp An toàn Chiềng Hặc, huyện Yên Châu phấn khởi: HTX chúng tôi được thành lập trên cơ sở là nhóm hộ của 7 hộ gia đình trong bản Văng Lùng, xã Chiềng Hặc. HTX chúng tôi phát triển chủ yếu là xoài tượng với hơn 14ha. Nhờ áp dụng ứng dụng khoa học kỹ thuật và tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, năm 2018, HTX đã thu hoạch trên 7ha, đạt mức thu trung bình 256 triệu đồng/ha. Tổng thu nhập năm 2018 đạt gần 1,8 tỷ đồng; và phấn đấu năm 2019 sẽ đạt 3 tỷ đồng doanh thu.

Còn với ông Nguyễn Duy Khanh, HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng, huyện Phù Yên, qua nhiều năm trăn trở trồng thử nghiệm, tìm kiếm loại cây trồng phù hợp, HTX Nghĩa Hưng hiện đang tập trung trồng cam đường canh, cam vinh, bưởi diễn, bưởi da xanh với diện tích 28,5ha; sản lượng năm 2018 đạt 300 tấn quả, doanh thu 6 tỷ đồng.

Nhiều hộ dân huyện Phù Yên đã có cuộc sống thay đổi hẳn nhờ trồng cam, quýt, bưởi.
Nhiều hộ dân huyện Phù Yên đã có cuộc sống thay đổi hẳn nhờ trồng cam, quýt, bưởi.

“Những kết quả trên cho thấy, việc phát triển cây ăn quả có múi ở địa phương hơn hẳn canh tác ngô, sắn, góp phần nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác. Các hộ nông dân được hướng dẫn sản xuất theo quy trình, tăng cường quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, lợi ích của trồng cây ăn quả là phủ xanh đất trống trồi trọc, tăng độ che phủ cho đất, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Chủ trương phát triển cây ăn quả đã và đang mang lại hiệu quả tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho người dân. Nhiều hộ dân trong bản đã vươn lên làm giàu từ trồng cây ăn quả có múi” – ông Nguyễn Duy Khanh chia sẻ.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhấn mạnh: Năm 2019, dự kiến sản lượng các loại quả đạt trên 410.000 tấn, tăng 188% so với năm 2018. Tỉnh ủy Sơn La sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND tỉnh khâu nối, đôn đốc, chỉ đạo các HTX, hộ gia đình tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Tiếp tục khâu nối, đôn đốc và chỉ đạo các hộ gia đình chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng vùng nguyên liệu rau và quả, đáp ứng đủ nguyên liệu, đúng tiêu chuẩn cho các Nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu.

Trong đó, Sở NN&PTNT là cơ quan thường trực, chủ trì nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tập trung phát triển 117 chuỗi nông sản bền vững. Rà soát lại một số diện tích cây công nghiệp trồng từ những năm trước hiệu quả thấp, nhất là diện tích cây cao su.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Văn Chất cũng yêu cầu các sở, ngành, huyện, thành phố tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh, hạ giá thành sản phẩm các loại quả theo hướng trồng xen các loại cỏ phục vụ chăn nuôi đại gia súc và tập trung phát triển các chuỗi nông sản bền vững; rà soát, đề xuất xây dựng các chính sách hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tiễn. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất theo hướng hàng hóa; nâng cao quan hệ hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng, tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, cơ sở bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Hiệu quả sau 3 năm phủ xanh đất trống bằng cây ăn quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO