Sơn La - hiện thực hóa khát vọng tăng trưởng xanh: Phát huy nguồn lực tài nguyên - môi trường
(TN&MT) - Là một trong những ngành đóng góp quan trọng trong hành trình thực hiện mục tiêu phát triển xanh, nhanh, bền vững, quán triệt sâu sắc các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, hướng tới thi đua Chào mừng 20 năm ngày thành lập Sở TN&MT tỉnh Sơn La (3/9/2003 - 3/9/2023), những năm qua, ngành Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng hiệu quả thực thi pháp luật, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trên tất cả các lĩnh vực ngành.
Phát huy tinh thần kiến tạo, liêm chính, hành động
Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, ông Phùng Kim Sơn - Giám đốc Sở TN&MT Sơn La nhấn mạnh: Phát huy tinh thần “kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”, đoàn kết, thống nhất, chủ động hóa giải, "biến nguy thành cơ", từ năm 2022 đến nay, Sở TN&MT đã tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa các quy định về cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với điều kiện của tỉnh, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, phát huy nguồn lực tài nguyên - môi trường cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Ngành Tài nguyên và Môi trường đã chủ động tham mưu, trình HĐND, UBND tỉnh ban hành trên 1.000 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về cơ chế, chính sách, xử lý vướng mắc về quản lý tài nguyên, môi trường, trọng tâm là công tác quản lý đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quản lý tài nguyên nước, khoáng sản, nâng cao hiệu quả kiểm soát, phòng ngừa ô nhiễm. Tổ chức ký cam kết, tăng cường vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND 12 huyện, thành phố với Chủ tịch UBND tỉnh trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; cam kết giữa chủ các giấy phép khai thác khoáng sản với Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện nghiêm quy định về đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường.
Trong từng lĩnh vực cụ thể, đã hoàn thành lập Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 - 2023 cấp huyện; công bố công khai theo quy định. Tham mưu giải quyết các khó khăn, vướng mắc về đất đai các dự án trọng tâm, trọng điểm và tình hình sử dụng đất của các doanh nghiệp. Tổ chức lập hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đảm bảo đúng trình tự theo quy định của Luật Đất đai.
Tổ chức lấy ý kiến góp ý của nhân dân vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); tham mưu ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý nhà nước về đất đai và xử lý vi phạm về đất đai. Kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Xử lý hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa nhân dân, Nhà nước và nhà đầu tư, đảm bảo quyền lợi cho các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn.
Hành động để xanh hóa
Một trong những điểm nhấn của Sơn La trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội đó là hướng mọi mục tiêu vào tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Sơn La đã lồng ghép vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu vào xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực chống mất rừng, suy thoái rừng. Đẩy mạnh khai thác có hiệu quả, tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất, tiêu thụ năng lượng. Hằng năm, chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức các cấp, các ngành và toàn dân về bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Công tác thu hút đầu tư được thực hiện trên quan điểm sàng lọc, lựa chọn đầu tư dựa trên các tiêu chí về môi trường ngay từ đầu. Kiên quyết không trình, cấp chủ trương đầu tư các dự án, loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm. Chú trọng các giải pháp ứng dụng khoa học, công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến, giảm ô nhiễm và phát thải khí nhà kính.
Quản lý chặt các dự án khai thác tài nguyên nước, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình hoạt động khoáng sản; ngăn chặn việc khai thác trái phép, bảo vệ tốt nguồn tài nguyên khoáng sản chưa khai thác. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý môi trường từ bị động giải quyết, khắc phục sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát. Từ năm 2020 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai giám sát môi trường với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm thông qua hệ thống quan trắc tự động liên tục, camera giám sát nhằm bảo đảm an toàn về môi trường trong quá trình hoạt động.
Rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường để kiểm tra, kiểm soát (hậu kiểm), đôn đốc cấp giấy phép môi trường. Rà soát những ngành, lĩnh vực có tác động tiêu cực tới môi trường để yêu cầu xanh hóa sản xuất, ưu tiên sử dụng các nguồn nguyên liệu có thể tái chế.
Thiết lập các kênh thông tin (đường dây nóng, thư điện tử, hệ thống hỏi đáp)... để kịp thời lắng nghe, xử lý những ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp về công tác quản lý tài nguyên, môi trường. Tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên, môi trường thường xuyên, định kỳ, đột xuất, nhất là với các cơ sở có lượng phát thải lớn, nằm ở khu vực đầu nguồn nước, khu đông dân cư. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo tính nghiêm minh, kịp thời, thượng tôn pháp luật.