Đất đai

Sơn La: Gỡ vướng trong quản lý, sử dụng đất nguồn gốc nông, lâm trường

Nguyễn Nga 23/08/2023 - 16:26

(TN&MT) - Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông vừa chủ trì cuộc họp của Thường trực Tỉnh ủy với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về thực hiện quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường và đất do các nông lâm trường đang quản lý, sử dụng trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các nông, lâm trường trên địa bàn Sơn La được hình thành từ những năm 1954, gồm 4 nông trường, 7 lâm trường, tổng diện tích khoảng 42.300ha.

Đã triển khai cắm 1.743 mốc ranh giới sử dụng đất, tổng chiều dài đường ranh giới các Công ty đã đo đạc là 794 km. Diện tích đã đo vẽ, khoanh bao ranh giới tỷ lệ 1/10.000 là hơn 31.000ha thuộc phạm vi 40 xã. Hoàn thành cấp đổi GCNQSDĐ 11/11 Công ty nông, lâm nghiệp, tổng diện tích hơn 17.500 ha.

a1.jpg
Quang cảnh cuộc họp.

Thực hiện sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh, đến nay, còn 8 đơn vị, tổ chức, tổng diện tích trên 36.000 ha. Trong đó, hơn 17.400ha đất các công ty nông, lâm nghiệp giữ lại tiếp tục sử dụng; hơn 18.500ha đất đã bàn giao về địa phương quản lý.

Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông lâm trường, tháng 11/2022, Tỉnh ủy Sơn La đã thành lập Ban Chỉ đạo về quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường; họp rà soát, nhận diện các tồn tại, hạn chế.

Theo đó, nổi lên những vấn đề chính, gồm: Do nguồn kinh phí hạn chế nên chỉ đo khoanh bao tỷ lệ 1/10.000, chưa rà soát, xác định được từng loại đất chi tiết; không phản ánh đúng hiện trạng, không tách được các loại đất khác như đất sản xuất nông nghiệp, đất ở xen kẽ của các hộ gia đình, cá nhân ra khỏi diện tích đất đã giao cho các tổ chức, nên các hộ dân đã tự trồng trọt, canh tác và lấn, chiếm của các nông, lâm trường.

Nhiều công trình được xây dựng sau ngày 1/7/2014 không phù hợp với quy hoạch, giá trị tài sản lớn, nếu phá dỡ thì các hộ không đồng tình, vướng mắc trong công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Việc xử lý các trường hợp lấn chiếm đất nông lâm trường và vi phạm do tự ý chuyển mục đích sử dụng đất (đặc biệt sau ngày 1/7/2014) chưa có quy định xử lý.

Diện tích đất bàn giao về địa phương là đất trước đây nông trường, lâm trường đã giao khoán, cho thuê, cho mượn; liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư; bị lấn, bị chiếm, đang có tranh chấp... (không phải là đất sạch) nên rất khó khăn khi xác định đối tượng, diện tích để giao, cho thuê; nhiều trường hợp đã thực hiện mua bán, chuyển nhượng đất nhận giao khoán. Từ đó, việc thu hồi đất của đối tượng này để phân bổ lại cho các đối tượng ưu tiên rất phức tạp.

a2.jpg
Hơn 18.500ha đất có nguồn gốc nông lâm trường đã được các công ty nông lâm nghiệp bàn giao về địa phương quản lý.

Nhằm giải quyết các tồn tại, hạn chế, UBND tỉnh đã ban hành Báo cáo số 123/BC-UBND ngày 24/3/2023 đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ nội dung “Việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường” vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai.

Chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, trong đó, định hướng sẽ sửa đổi, bổ sung chính sách bồi thường, hỗ trợ khác với các trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường.

Ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 12/5/2023 về tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh. Thành lập các Tổ công tác hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc các dự án Vinamilk, Vinatea và công tác GPMB trên địa bàn huyện Mộc Châu, Mai Sơn.

Chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, đặc biệt là vi phạm trên đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường. Qua đó, toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 23 trường hợp vi phạm, tổng tiền phạt trên 514 triệu đồng.

a3.jpg
Sơn La đang tập trung hoàn thiện Đề án Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh do các công ty nông, lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Ban Quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình cá nhân sử dụng.

Thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Đông đã giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh rà soát toàn bộ hiện trạng sử dụng đất về vị trí, ranh giới quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường; xác định rõ phần đất các công ty giữ lại, phần đã bàn giao về địa phương.

Công khai phương án sử dụng đất để người dân được biết trước khi trình phê duyệt; tích hợp dữ liệu địa chính với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường vào cơ sở dữ liệu đất đai địa phương.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực đất đai; thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường đã bàn giao hoặc dự kiến bàn giao về cho địa phương, không để đất vô chủ, tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm pháp luật...

Tiếp tục đề xuất các giải pháp, chính sách, phương án để xử lý những tồn tại, bất cập, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường.

Sở TN&MT đã hoàn thiện dự thảo Đề án Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh do các công ty nông, lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Ban Quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình cá nhân sử dụng (Đề án 32) gửi xin ý kiến Bộ TN&MT, các sở, ngành, UBND các huyện có liên quan. Hiện nay, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo để thẩm định, dự kiến phê duyệt Đề án trong tháng 8/2023.

Theo Dự thảo, phạm vi thực hiện Đề án là 4 Ban quản lý rừng, 1 Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La; diện tích đất giữ lại quản lý, sử dụng và phần đất trả lại địa phương quản lý của 6 công ty nông nghiệp, 5 công ty lâm nghiệp, 5 tổ chức khác thuộc 30 xã của 10 huyện.

Nhiệm vụ chính là rà soát, đo đạc, lập, chỉnh lý hồ sơ ranh giới, đo đạc, lập, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ cho diện tích đất giữ lại quản lý, sử dụng và phần đất trả lại địa phương quản lý; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho toàn bộ các loại đất; xây dựng phương án sử dụng đất của các Công ty nông, lâm nghiệp, Ban quản lý rừng, phương án sử dụng đất bàn giao về cho địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Gỡ vướng trong quản lý, sử dụng đất nguồn gốc nông, lâm trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO