Môi trường

Sơn La: Giám sát công tác bảo vệ môi trường tại 2 nhà máy chế biến nông sản

Nguyễn Nga 09/11/2023 - 14:03

(TN&MT) - Ngày 8/11, Đoàn giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với các cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La niên vụ 2023-2024 đã triển khai hoạt động giám sát với Công ty Cổ phần mía đường Sơn La và Chi nhánh Công ty Cổ phần tinh bột sắn Phú Yên - Nhà máy tinh bột sắn Sơn La.

Tại buổi làm việc, ông Cao Viết Thịnh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng đoàn giám sát số 2 đã thông qua Quyết định số 1998/QĐ-UBND ngày 5/10/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thành lập Tổ công tác giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với các cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La niên vụ 2023-2024; Quyết định số 02/QĐ-TCT ngày 12/10/2023 của Tổ công tác về thành lập Đoàn giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với các đơn vị.

a1(1).jpg
Giám sát công tác bảo vệ môi trường tại Công ty CP Mía đường Sơn La.

Phổ biến nội dung giám sát gồm: Giám sát hiện trạng các công trình xử lý chất thải của các nhà máy khi tiến hành niên vụ sản xuất 2023 – 2024. Ghi nhận chỉ số các đồng hồ khai thác sử dụng nước, tái sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước khi tiến hành niên vụ sản xuất 2023 – 2024.

Tại Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La, hiện tại nhà máy chưa đi vào hoạt động nên chưa phát sinh chất thải công nghiệp. Hai hệ thống xử lý nước thải công suất 2.000m3/ngày đêm và 900 m3/ngày đêm đang tiến hành vệ sinh, bảo trì, thay thế các thiết bị hư hỏng. Đoàn giám sát đã ghi nhận lượng nước thải tại các hồ theo báo cáo của Công ty.

a2.jpg
Hồ chứa nước thải đang được tiến hành vệ sinh, bảo trì, thay thế bạt lót.

Lượng chất thải rắn công nghiệp tồn lưu của niên vụ 2022 – 2023 gồm: Khu vực sau bồn chứa rỉ mật có khoảng 3.000 tấn bã mía; bùn bã sau lọc có khối lượng khoảng 300 tấn, được lưu giữ tại khu vực sân bê tông diện tích 1.700m2, được phủ bạt; khu vực bể lắng tro có khối lượng khoảng 80 tấn, đang được Công ty lưu giữ tại khu vực bể dập tro. Việc thu gom, xử lý chất thải nguy hại, công ty đã phối hợp với Công ty TNHH Phú Minh Vina thu gom xử lý, đảm bảo theo quy định.

Niên vụ năm nay, Chi nhánh Công ty Cổ phần tinh bột sắn Phú Yên – Nhà máy tinh bột sắn Sơn La bắt đầu khởi động dây chuyền sản xuất từ ngày 10/10; chính thức đi vào sản xuất từ ngày 12/10. Dự kiến, thời điểm kết thúc niên vụ khoảng tháng 3 - tháng 4/2024. Công suất sản xuất: 300 tấn sản phẩm/ngày.

a3(1).jpg
Giám sát công tác bảo vệ môi trường tại Nhà máy Tinh bột sắn Sơn La.

Tại thời điểm giám sát, các hạng mục công trình xử lý nước thải đang hoạt động bình thường. Hệ thống xử lý nước thải công suất 4.400 m3/ngày đêm áp dụng công nghệ xử lý nước thải CIGAR dựa trên nguyên lý của quá trình phân hủy kị khí.

Đoàn giám sát đã lấy 3 mẫu nước thải tại đầu vào hệ thống xử lý nước thải; vị trí sau bể biogas trước khi đổ vào mương ô xi hóa; 1 mẫu tại hồ sinh học trước khi xả thải ra môi trường để đánh giá hiệu quả của hệ thống xử lý nước thải.

a4.jpg
Lấy 3 mẫu nước thải để đánh giá hiệu quả của hệ thống xử lý nước thải tại Nhà máy tinh bột sắn Sơn La.

Đối với vỏ lụa sắn, Công ty đã hợp đồng với Hợp tác xã nông nghiệp Sơn La chế biến thành phân vi sinh. Bã sắn khô được đóng bao bán cho hộ kinh doanh thu mua làm thức ăn gia súc. Việc quản lý chất thải được thực hiện đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Kết luận buổi làm việc, Đoàn giám sát đã yêu cầu 2 đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm công tác bảo vệ môi trường theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt và theo giấy phép môi trường thành phần. Thực hiện lưu giữ, chuyển giao chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết thi hành.

Đảm bảo khai thác, sử dụng nước theo đúng Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất của UBND tỉnh Sơn La. Trong quá trình hoạt động, đề nghị bổ sung các men vi sinh, chế phẩm sinh học để tăng hiệu quả của hệ thống xử lý nước thải và có giải pháp hạn chế mùi hôi phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải vào môi trường.

a5.jpg
Hoạt động giám sát sẽ được triển khai định kỳ từ nay đến hết tháng 5/2024.

Đoàn giám sát cũng yêu cầu Chi nhánh Công ty Cổ phần tinh bột sắn Phú Yên- Nhà máy tinh bột sắn Sơn La bổ sung các biển cảnh báo, thiết bị giám sát để đảm bảo an ninh, an toàn cho các hồ chứa. Dọn dẹp vệ sinh, môi trường cảnh quan khu vực nhà máy.

Yêu cầu Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La thường xuyên thực hiện vệ sinh môi trường, bố trí trồng bổ sung cây xanh trong khu vực khuân viên của dự án. Xây dựng mái che, tường bao, không để xảy ra trường hợp nước mưa chảy vào các khu vực lưu giữ chất thải rắn thông thường (bã mía; bùn bã mía; tro lò đốt) mang theo chất thải phát tán vào môi trường; kiểm tra rà soát bể dập tro, có giải pháp xử lý vết nứt, vỡ (nếu có) để đảm bảo không có nước thải dập tro chưa được xử lý rò rỉ, phát tán vào môi trường.

Rà soát lại toàn bộ hệ thống thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải (nước thải, khí thải, chất thải rắn) để đảm bảo không xảy ra ô nhiễm môi trường khi tiến hành niên vụ sản xuất 2023 -2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Giám sát công tác bảo vệ môi trường tại 2 nhà máy chế biến nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO