Sơn La: Giám sát bảo vệ môi trường trong sản xuất VLXD

Nguyễn Nga| 30/10/2019 21:18

(TN&MT) - Theo số liệu từ Sở TN&MT Sơn La, tới hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 60 đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD), gồm 32 đơn vị khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; 14 nhà máy sản xuất gạch đất sét nung; 13 đơn vị sản xuất gạch không nung và 1 nhà máy xi măng.

Trong đó, có 38/60 đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng thuộc đối tượng phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường trình UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt. 09/60 đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng thuộc đối tượng phải lập Kế hoạch bảo vệ môi trường trình UBND cấp huyện thẩm định, xác nhận. 13/60 đơn vị sản xuất gạch không nung không phải lập thủ tục về bảo vệ môi trường.

Theo đánh giá của Sở TN&MT Sơn La, việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cơ bản đã tuân thủ theo quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Sơn La

Ông Đỗ Văn Trụ, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La cho biết: Ngay từ khâu tham mưu thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, Sở đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn tăng cường năng lực chuyên môn, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc tham mưu tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án, nhằm ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Công tác thẩm định được thực hiện kỹ lưỡng về nội dung, kiên quyết không phê duyệt các dự án phát sinh nước thải lớn nhưng không có hồ sơ hệ thống xử lý đảm bảo. Sau khi được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, các đơn vị đã thực hiện đầu tư hệ thống xử lý môi trường theo cam kết.

Cùng với đó, hiện nay, nhiều đơn vị khai thác và chế biến đá vôi làm VLXD thông thường đã điều chỉnh hệ thống trang thiết bị từ sử dụng dầu diesel sang sử dụng điện để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản phẩm. Nguồn nhân lực sử dụng trong các đơn vị sản xuất đa phần là người dân địa phương, được đào tạo nghề và có hợp đồng lao động theo quy định. Các sản phẩm cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu về vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Để siết chặt công tác bảo vệ môi trường, hàng năm, Sở TN&MT đã lập danh sách các cơ sở thanh tra, kiểm tra trình Thanh tra tỉnh rà soát, chấp thuận. Việc thanh tra, kiểm tra được thực hiện trên cơ sở thanh tra liên ngành, tổng hợp nhiều lĩnh vực để tránh chồng chéo trong quá trình thanh, kiểm tra, không gây khó khăn và không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất bình thường của đơn vị.

Nhiều DN khai thác đá đã tận dụng nguyên liệu là mạt đá thừa trong quá trình khai thác để sản xuất gạch không nung, góp phần bảo vệ môi trường

Kết quả, giai đoạn từ năm 2016-2018, Sở TN&MT đã chủ trì tổ chức 10 cuộc thanh, kiểm tra với 57 đơn vị.

Qua đó, phát hiện các sai phạm chính gồm: Chưa ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy hại chưa đảm bảo theo quy định; chưa ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom xử lý chất thải nguy hại; chưa được kiểm tra, xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án; thực hiện quan trắc, giám sát chất lượng môi trường không đúng, không đầy đủ; không có vùng nguyên liệu phù hợp với quy hoạch; việc tận dụng hoặc mua nguyên liệu đất của nhân dân trong vùng để sản xuất gạch đã làm phá vỡ quy hoạch và ảnh hưởng đến môi trường (sử dụng đất nông nghiệp không được quy hoạch để sản xuất gạch)....

Qua thanh, kiểm tra, Sở TN&MT đã yêu cầu các đơn vị khắc phục các tồn tại, khuyết điểm về lĩnh vực môi trường trong quá trình hoạt động và xử lý nghiêm các đơn vị chây ỳ, cố tình vi phạm.

Theo đánh giá của Sở TN&MT Sơn La, việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cơ bản đã tuân thủ theo quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, trên địa bàn các huyện Sông Mã, Mường La, Bắc Yên vẫn còn một số tổ chức, cá nhân khai thác cát trái phép làm vật liệu xây dựng.

Bên cạnh đó, dù đã được sắp xếp, bổ sung, song biên chế hành chính, sự nghiệp cho cơ quan quản lý môi trường tại các cấp (tỉnh, huyện, xã) còn thiếu, công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chưa được thường xuyên, đặc biệt là cán bộ cấp huyện, xã. Ở cấp huyện, xã hầu hết cán bộ được phân công kiêm nhiệm và có thể thay đổi theo yêu cầu công việc, rất khó cho việc thực hiện công tác quản lý môi trường ở địa phương.

Theo Bài tự viết
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Giám sát bảo vệ môi trường trong sản xuất VLXD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO