Nhiều tuyến đường sạt lở, ách tắc
Đợt mưa trên diện rộng trên địa bàn tỉnh Sơn La kéo dài từ ngày 18-22/7. Theo thống kê, một số huyện, thành phố có mưa rất to gồm thành phố Sơn La 157,9mm; Nà Xá – Phù Yên 335,9mm; Xã Là – Sông Mã 163mm; Chiềng Mai – Mai Sơn 161 mm; Km 46 – Vân Hồ 508mm, Km22 – Vân Hồ 480mm; Mộc Châu 358mm; Bắc Yên 219 mm; Yên Châu 203 mm. Lũ xuất hiện trên các lưu vực Nậm Pàn, Nậm La, Suối Tấc và các suối nhỏ trên địa bàn tỉnh.
Hậu quả, mưa lũ đã làm 4 người chết, 2 người mất tích, 1 người bị thương. Cùng với đó, 688 nhà bị ảnh hưởng, trong đó, 17 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 260 nhà bị sạt lở, 209 nhà bị ngập. 202 nhà phải di dời khẩn cấp, đã di dời 129 nhà.
Mưa lũ đã cuốn trôi, ngập trắng hơn 600ha lúa; hơn 280ha ngô và rau màu. Nhiều gia súc, gia cầm, ao cá của người dân.
Trên quốc lộ 6, nhiều vị trí sụt lở taluy dương, taluy âm, ngập úng nền mặt đường gây ách tắc giao thông, trong dó, km131+250 nước ngập chỗ sâu nhất 1,5m chiều dài ngập khoảng 100m và km 155+600, nước ngập sâu 1m, chiều dài ngập khoảng 200m, gây ách tắc giao thông.
Quốc lộ 32B, tổng số điểm sụt, sa bồi đến thời điểm hiện tại là 108 vị trí, trong đó có 3 vị trí làm ách tắc giao thông với tổng khối lượng đất sụt, sa bồi hơn 17.000m3. Trên quốc lộ 37, có 115 vị trí bị sụt taluy dương, sa bồi, với tổng khối lượng 17.059m3. Quốc lộ 43 có 152 vị trí, tổng khối lượng 39.531m3 bị sụt, sa bồi. Một số tuyến quốc lộ khác, tỉnh lộ, tuyến đường liên xã, liên bản cũng bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc.
Hiện Sở Giao thông vận tải Sơn La đã chỉ đạo nhà thầu cử người trực, bố trí biển cảnh báo và phân luồng đảm bảo giao thông, bố trí vật tư, máy móc, nhân công để khắc phục các vị trí sụt lở taluy dương và xử lý một số vị trí sạt lở taluy âm nguy hiểm để đảm bảo giao thông bước 1. Ách tắc trên quốc lộ 32B, quốc lộ 37, 43, sở Giao thông vận tải đã bố trí máy móc khẩn trương thực hiện công tác đảm bảo giao thông bước 1, không để ách tắc kéo dài. Trên các tuyến đường tỉnh lộ, đã thông xe tuyến tỉnh lộ 112, các tuyến 101, 114 do khối lượng sụt lở lớn, nhiều vị trí sụt lở đơn vị vẫn đang tiếp tục đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất.
Bên cạnh đó, 10 công trình thủy lợi bị hư hỏng, sạt lở hơn 2.000m3 đất đá, gẫy đổ, sạt lở hơn 1.200m kênh mương. 6 cột điện bị gãy đổ, 5 điểm trường bị ảnh hưởng…
Ước tổng giá trị thiệt hại là 48,4 tỷ đồng.
Các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai
Phù Yên, Mộc Châu, Vân Hồ, là những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất do mưa lũ. Trong đó, tại huyện Vân Hồ, đến chiều 22/7, mưa lũ đã làm 1 người bị thương nặng. 120 nhà dân bị sạt lở, ngập nước, có nguy cơ sập đổ, sạt lở, xói trôi; 3 điểm trường bị ngập. Một số bản tại xã Chiềng Yên, Mường Tè, Liên Hòa, Quang Minh vẫn bị chia cắt.
Về giao thông, trên tuyến đường Quốc lộ 6, tại xã Vân Hồ ngập nước tại đoạn Km 173 (Bó Nhàng I) ngập 50-60cm; tại xã Lóng Luông, đoạn bản Co Chàm, bản Co Tang ngập sâu 80-100cm, xe cỡ nhỏ không lưu thông được. Tuyến tỉnh lộ 102 bị sạt lở 11 điểm, 01 điểm ở Km9 bản Mường An, xã Xuân Nha, 01 điểm ở Km21 bản Khò Hồng, xã Chiềng Xuân sạt lở rất nghiêm trọng. Hiện tại ô tô, xe máy không lưu thông được.
UBND huyện Vân Hồ, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã huy động các lực lượng gồm: Công an, Quân sự, dân quân, Đoàn viên thanh niên... phối hợp cùng UBND các xã hỗ trợ công tác sơ tán, di chuyển dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Hiện tại các hộ có nhà bị sạt lở, có nguy cơ sạt lở, sập đổi, xói trôi và ngập nước đã được di chuyển tài sản và người đến nơi an toàn.
Đồng thời, UBND huyện đã tổ chức họp, quyết định thành lập các Tổ công tác chỉ đạo phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai; các đồng chí là Tổ trưởng có trách nhiệm phối hợp với UBND các xã trong công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả, thống kê, xác minh thiệt hại do thiên tai mưa lũ gây ra và báo cáo kịp thời theo quy định. Giao các cơ quan chuyên môn triển khai hướng dẫn người dân trong công tác khắc phục và khôi phục sản xuất, đảm bảo không để ảnh hưởng đến thời vụ và năng suất, sản lượng theo kế hoạch.
Tại huyện Mộc Châu, có 267 nhà dân bị thiệt hại do mưa lũ. Địa bàn thiệt hại nặng nề nhất trong trận mưa lũ này ở huyện Mộc Châu là xã Nà Mường với 4 hộ có nhà bị đổ sập hoàn toàn; 40 hộ bị sạt lở đất đá vào nhà; 5 hộ bị ngập trên 1m nước, nhiều tuyến đường liên bản, liên xã bị sạt lở.
Để khắc phục hậu quả mưa lũ, huyện Mộc Châu đã thành lập 4 đoàn công tác đến kiểm tra và chỉ đạo khắc phục tại các xã, thị trấn. Các xã, thị trấn cũng đã cử các tổ công tác xuống các bản hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả với phương châm 4 tại chỗ, đồng thời rà soát di chuyển các hộ gia đình có nguy cơ bị gập úng, sạt lở đến nơi an toàn, di chuyển đồ đạc đến nơi cao ráo để hạn chế thiệt hại của nhân dân. Cắm biển cảnh báo nguy hiểm qua những điểm sạt lở trên các tuyến đường.
Tại huyện Phù Yên, đến 16h ngày 22/7/2018, trên địa bàn huyện Phù Yên đã ngớt mưa, địa bàn một số xã và thị trấn đã có nắng. Mực nước trên các hồ chứa (hồ Suối Chiếu, hồ Suối Hòm, hồ Suối Sập) bắt đầu giảm. Theo báo cáo, thông số vận hành hồ chứa của thủy điện Suối Sập, lưu lượng nước về hồ giảm từ 139m3/s vào buổi sáng xuống còn 100m3/s vào 16h chiều ngày 22/7/2018, mực nước hồ giảm 0,03m và tiếp tục giảm.
Ông Phan Quý Dương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Huyện đã kịp thời hỗ trợ cho gia đình có người chết và bị vùi lấp nhà cửa hoàn toàn tại bản Văn Cơi, xã Mường Cơi với số tiền 25,4 triệu đồng. Với người mất tích, nguyên nhân được xác định do ra khỏi nhà từ tối 20/7, có di chuyển qua vùng có lũ, huyện đã chỉ đạo, huy động lực lượng dân quân các xã vùng dọc suối Tấc và vùng lòng hồ Sông Đà tiếp tục tổ chức tìm kiếm.
Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện có 212 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở, đổ sập, cuốn trôi, ngập lụt. Đường vào trung tâm một số xã đang bị chia cắt gồm đường vào xã Bắc Phong, Suối Tọ, Suối Bau, Mường Bang, Mường Do... Vẫn còn 2 xã Mường Bang và Mường Lang bị mất điện do giao thông bị tắc nghẽn nên ngành điện chưa tiếp cận được các điểm xảy ra sự cố. Chưa liên lạc được một phần xã Mường Bang và bản Do, xã Mường Do.