Báo cáo nhanh tình hình thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW, ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La có sự chuyển biến tích cực, nhanh, bền vững, các chỉ tiêu và kế hoạch đã đề ra của tỉnh để thực hiện Nghị quyết 37 đều đạt và vượt kế hoạch một số chỉ tiêu.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh bình quân giai đoạn 2004 - 2018 tăng 13,2%/năm, tăng cao hơn mức bình quân chung của cả nước. GDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 38 triệu đồng, tăng gấp 10,8 lần so với năm 2004.
Đã hình thành các vùng sản xuất chè tại Mộc Châu, Vân Hồ, Thuận Châu, Bắc Yên; cà phê tại thành phố, Mai Sơn, Thuận Châu; cao su tại Quỳnh Nhai, Mường La, Thuận Châu, Vân Hồ, Mai Sơn, Yên Châu... Các vùng cây ăn quả nhãn, chuối, xoài, cây ăn quả có múi… tại các địa phương. Giá trị xuất khẩu nông sản năm 2018 đạt 115 triệu USD, cao nhất từ trước đến nay. Đã hình thành các vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả tập trung theo hướng đầu tư chiều sâu, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển quy mô diện tích theo quy hoạch gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.
Công tác trồng rừng tập trung đạt hơn 47.000ha; thực hiện khoán bảo vệ rừng giai đoạn 2004 - 2010 bình quân là 269.234ha; giai đoạn 2011 - 2018 là 603.000ha. Đến hết năm 2018, phát động trồng gần 3.000 cây phân tán các loại. Cơ bản hoàn thành công tác giao đất giao rừng cho các thành phần kinh tế quản lý sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp với tổng diện tích trên 917.000ha. Cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp cho 94.345 chủ rừng.
Từ năm 2014 tới nay, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động 45 nhà máy thủy điện nhỏ, tổng công suất 502,6MW. Toàn tỉnh có 1 KCN và 2 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động.
Về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, một số dự án giao thông đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng gồm dự án nâng cấp đường quốc lộ 6 đoạn Hòa Bình - Sơn La, Sơn La - Điện Biên; dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 37, 43, 279, 4G; đưa vào khai thác, sử dụng cầu Pá Uôn, cầu Tạ Khoa… Đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu theo hình thức đối tác công tư… Tỷ lệ số xã có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa đạt 91,2%.
Công tác phát triển y tế, giáo dục, văn hóa, xây dựng nông thôn mới được quan tâm triển khai đồng bộ, cơ bản đạt nhiều kết quả tích cực. Các chương trình, chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo còn 25,42% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020). Có 2 huyện thoát nghèo, toàn tỉnh còn 4 huyện nghèo là Bắc Yên, Mường La, Sốp Cộp, Vân Hồ. Từ năm 2003 đến nay, đã tạo việc làm mới cho hơn 247.000 lao động; số lao động đã xuất cảnh hơn 1.800 lao động.
Trong công tác quản lý tài nguyên, toàn tỉnh có 78 mỏ và điểm khoáng sản, nhưng số lượng không nhiều, không tập trung nên việc khai thác nguồn lực này thường thiếu ổn định, khó khăn. Những năm qua, công tác quản lý khoáng sản đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, ý thức và nhận thức pháp luật về khoáng sản tiếp tục được nâng cao; song vẫn còn diễn ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở một số địa phương.
Công tác bảo vệ môi trường, tỉnh đã chỉ đạo rà soát củng cố tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý môi trường cấp tỉnh, huyện. Kiên quyết không chấp thuận các dự án đầu tư vào tỉnh sử dụng công nghệ lạc hậu hoặc dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Công tác thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường được quan tâm chỉ đạo. Tập trung giải quyết khắc phục sự cố môi trường, thiên tai như ô nhiễm môi trường của nhà máy đường Mai Sơn, nhà máy tinh bột sắn Sơn La, các bệnh viện đa khoa, sự cố môi trường do sạt lở đất tại Vân Hồ, sự cố ô nhiễm nguồn nước tại thành phố, Mai Sơn, Thuận Châu…
Xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định với các tỉnh Bắc Lào. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Thế trận an ninh nhân dân gắn với nền quốc phòng toàn dân, biên phòng toàn dân được củng cố vững chắc.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao kết quả mà tỉnh Sơn La đã đạt được, đặc biệt là trong phát triển cây ăn quả. Sơn La đang dẫn đầu khu vực Bắc Bộ với khoảng 60.000ha cây ăn quả, giá trị xuất khẩu năm 2018 đạt trên 100 triệu USD. Nhiều cách làm và mô hình của Sơn La đang là điển hình cho cả nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn. “Sơn La là hình ảnh đẹp của ngành nông nghiệp trong thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW” – Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 37-NQ/TW đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm của tỉnh trong tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW. Báo cáo tổng kết 15 năm đã đánh giá toàn diện, cụ thể, nêu ra được thực trạng trong 15 năm thực hiện Nghị quyết, quá trình phổ biến, triển khai Nghị quyết, những kết quả đã đạt được, những mặt hạn chế, những bài học kinh nghiệm, nguyên nhân của hạn chế, và có nhiều kiến nghị với Đảng, Nhà nước để tổ chức triển khai tốt hơn trong thời gian tới.
Sau 15 năm, tới nay, các mục tiêu của Nghị quyết 37 đề ra cơ bản đã hoàn thành, thậm chí có nhiều mục tiêu đã hoàn thành vượt mức nhiều lần. Với Sơn La, có 2 chỉ tiêu rất ấn tượng về tăng trưởng kinh tế và thu nhập bình quân đầu người. Tốc độ tăng trưởng kinh tế không những cao hơn Nghị quyết mà còn cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Kết quả này khẳng định chủ trương, đường lối của Nghị quyết 37 là đúng đắn, thể hiện sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương và sự nỗ lực của địa phương.
“Sự đầu tư của Trung ương, các cơ chế, chính sách đóng góp rất quan trọng, song, cốt lõi là sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của tỉnh Sơn La. Trong đó, có vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La. Với Sơn La của chúng ta, trong 15 năm thực hiện Nghị quyết 37, đặc biệt trong nhiệm kỳ vừa rồi, chúng ta thấy rõ, Sơn La có lối ra. Đó chính là nông nghiệp, là cách thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, sự quan tâm của cấp ủy chính quyền với phát triển nông nghiệp. Sơn La đã tìm được hướng phát triển và thoát nghèo bền vững, tạo ra niềm tin không những cho bà con các dân tộc tỉnh Sơn La mà cho cả Trung ương” – ông Nguyễn Văn Bình khẳng định.
Trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị, nông nghiệp vẫn là hướng đi chính của Sơn La. Những kết quả đã đạt được rất ấn tượng, cho thấy, Sơn La có thể thoát nghèo nhờ nông nghiệp. Tỉnh đã chuyển đổi phương thức sản xuất từ hộ nông dân sang hệ thống các hợp tác xã, tiến tới là các doanh nghiệp. Chúng ta phải xây dựng được liên kết giữa hộ nông dân – HTX – doanh nghiệp, là nền tảng trong nền nông nghiệp sản xuất quy mô lớn. Thời gian qua, tỉnh ta làm tốt liên kết giữa hộ nông dân - HTX, bước đầu có liên kết với DN. Ông Nguyễn Văn Bình mong rằng, thời gian tới, Sơn La có cơ chế, chính sách để huy động nhiều hơn nữa các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp vào nông nghiệp.
“Cùng với đó, về công nghiệp, chủ yếu chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Về du lịch, hướng tới phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch về nguồn, du lịch tâm linh và các loại dịch vụ khác phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Chúng ta phải xác định hướng phát triển trọng tâm của tỉnh Sơn La mà có ý nghĩa với cả vùng. Trong quá trình phát triển, phải đặt trong tổng thể vùng Tây Bắc” - ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.