Năm 2017, toàn tỉnh Sơn La có 6 đơn vị kinh doanh lữ hành; 162 cơ sở lưu trú du lịch đã được thẩm định xếp hạng, với 2.900 buồng. Trong đó, 118 nhà nghỉ du lịch, 14 homestay và 3 khách sạn 3 sao, 11 khách sạn 2 sao, 16 khách sạn 1 sao. Các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư các khu vui chơi giải trí để phục vụ nhu cầu của du khách; nhiều loại hình du lịch mới được hình thành như du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng… Hoạt động du lịch dịch vụ đã góp phần làm tăng trưởng cơ cấu ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, xã hội của toàn tỉnh.
Nằm ở vị trí địa lý là trung tâm vùng Tây Bắc, Sơn La là vùng đất sinh sống lâu đời của 12 dân tộc anh em, với những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú. Những năm qua, tỉnh Sơn La đã có nhiều chủ trương, chính sách phù hợp để phát triển du lịch, với mục tiêu đưa du lịch thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Nhờ đó, những năm gần đây, du lịch Sơn La đã có nhiều chuyển biến tích cực trên nhiều mặt, số lượt khách du lịch đến Sơn La ngày càng tăng, điểm đến, sản phẩm du lịch đã và đang được hình thành, để lại dấu ấn cho du khách.
Trong đó, năm 2017, đã hình thành được nhiều tuyến, điểm du lịch hấp dẫn như du lịch cộng đồng tại huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Mường La… Tổ chức thành công nhiều ngày hội như Ngày hội chè, Ngày hội hái quả huyện Mộc Châu, Ngày hội Xoài Yên Châu, Ngày hội Cà phê Mai Sơn, Ngày hội nhãn Sông Mã, Ngày hội Cam Phù Yên; các tour du lịch khám phá, trải nghiệm nông nghiệp, trải nghiệm tại các vườn hoa, đồng cải tại huyện Mộc Châu; du lịch săn mây tại huyện Bắc Yên… Tổ chức thường xuyên các lễ hội truyền thống như Lễ hội Hoa ban, lễ hội hết chá, lễ hội gội đầu, lễ hội đua thuyền…
Năm 2018, tỉnh Sơn La tiếp tục tập trung triển khai các quy hoạch: Phát triển khu du lịch quốc gia Mộc Châu; tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sơn La và phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển loại hình dịch vụ du lịch gắn với các yếu tố văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái. Phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng du lịch bình quân đạt 20%/năm; lượng khách du lịch đạt trên 2 triệu lượt (khách quốc tế 97.000 người); tổng thu từ khách du lịch đạt 2.000 tỷ đồng; GDP du lịch chiếm 2,38% GDP toàn tỉnh; tạo việc làm từ lĩnh vực phát triển du lịch cho 18.500 người… Hướng tới phát triển du lịch “xanh”, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ, phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường.