Sở TN&MT Sơn La kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Công ty CP Mía đường |
Nhằm bảo vệ môi trường tại các cơ sở trên, Sở TN&MT đã tham mưu cho cấp có thẩm quyền thực hiện thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường của 16 cơ sở. Thường xuyên thanh, kiểm tra việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở, trong năm 2019 đã thực hiện xử lý vi phạm 1 cơ sở.
Đồng thời, thường xuyên đôn đốc, giám sát, hướng dẫn, tuyên truyền các cơ sở trong việc thực hiện công trình bảo vệ môi trường, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Đến nay, 13/13 cơ sở đã đầu tư xây dựng xong hệ thống xử lý chất thải và đi vào hoạt động. Trong đó, 4/13 cơ sở (các nhà máy chè) không thuộc đối tượng thực hiện kiểm tra xác nhận; 2/13 cơ sở (Nhà máy chế biến cà phê Phúc Sinh; Nhà máy chế biến nông sản BHL Sơn La) đã được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; 2/13 cơ sở đã nộp hồ sơ, chưa được xác nhận do chưa đủ điều kiện; 5/13 cơ sở chưa thực hiện lập hồ sơ đề nghị kiểm tra xác nhận.
Cùng với đó, Sở TN&MT đã thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực hiện xử lý chất thải của các cơ sở. Qua thống kê, tổng lượng chất thải rắn sản xuất phát sinh của các cơ sở khoảng trên 30.000tấn/năm.
Toàn bộ lượng chất thải trên được thu gom, xử lý, tái sử dụng (bã mía làm chất đốt lò; bã sắn làm thức ăn chăn nuôi; bùn thải, vỏ cà phê, vỏ sắn được tái sử dụng làm phân bón cho cây trồng).
Nước thải sản xuất phát sinh của các cơ sở khoảng hơn 783.000m3/năm, được thu gom xử lý tại hệ thống xử lý nước thải.
Công ty CP chế biến nông sản BHL Sơn La đã được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường |
Nhìn chung, thời gian qua, Sở TN&MT đã tập trung nâng cao chất lượng tham mưu thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn, tuyên truyền các cơ sở thực hiện công tác bảo vệ môi trường.
Ý thức bảo vệ môi trường của đa số cơ sở đã có sự thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn có cơ sở thực hiện chưa đầy đủ trách nhiệm theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Với mục tiêu từ nay tới năm 2025, 100% cơ sở chế biến nông sản ở quy mô công nghiệp trên địa bàn tỉnh có hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tập trung rà soát đánh giá tổng thể thực trạng trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh.
Lồng ghép vào nội dung quy hoạch tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 các nội dung liên quan đến quy hoạch vùng trồng trọt, vùng chế biến phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh gắn với bảo vệ môi trường.
Cụ thể hóa, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương về bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện của tỉnh. Đề xuất sửa đổi, ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ các cơ sở chế biến nông sản đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường theo hướng đơn giản hóa về trình tự thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng được hưởng hỗ trợ.
Ban hành đề án tổng thể đảm bảo việc phát triển sản xuất, chế biến nông sản gắn với bảo vệ môi trường. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt các dự án chế biến nông sản. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường.
Đẩy mạnh đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác bảo vệ môi trường các cấp. Xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý môi trường đối với cơ sở hoạt động chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh.