Đời sống của hàng nghìn hộ dân tại TP Sơn La đang bị xáo trộn nghiêm trọng do thiếu nước sinh hoạt |
Liên quan đến việc xử lý sự cố ô nhiễm nguồn nước hang Thẳm Tát Tòng – Nhà máy nước Chiềng An cấp cho thành phố Sơn La, ngày 6/11, ông Bùi Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cùng đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra thực địa, đồng thời, họp bàn với các sở, ngành có liên quan bàn giải pháp khắc phục sự cố.
Theo báo cáo từ các sở, ngành, nguyên nhân cấp nước hạn chế và ngừng cấp nước từ Nhà máy nước Chiềng An từ ngày 27/10-6/11 là do ô nhiễm nguồn nước từ chế biến cà phê tại 3 xã Chiềng Cọ, Chiềng Đen, Chiềng An – TP Sơn La và xã Bon Phặng, Muổi Nọi – huyện Thuận Châu.
Cụ thể, là tại 6 cơ sở chế biến tập trung và việc chế biến cà phê của các hộ trồng cà phê. 6 cơ sở này không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, không xử lý nước thải, hệ thống lưu trữ nước thải không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, nước thải ngấm trực tiếp xuống đất. Đặc biệt, cơ sở chế biến cà phê Thu Thủy tại xã Muổi Nọi có hệ thống bơm và ống bơm nối trực tiếp vào hang caster.
Để xử lý sự cố ô nhiễm nguồn nước, đảm bảo hoạt động cấp nước của Nhà máy nước Chiềng An, ông Bùi Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì, thành lập tổ công tác, mời đại diện các sở, ngành liên quan kiểm tra, giám sát các cơ sở chế biến cà phê tập trung trên địa bàn các xã, phường trên.
Trong đó, tổ công tác phải đình chỉ hoạt động sản xuất chế biến, chấm dứt ngay hoạt động gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ môi trường, hệ thống xử lý chất thải không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật trước 17 giờ ngày 7/11/2017.
Yêu cầu cơ sở hoàn thành công tác lót đáy chống thấm hồ chứa nước thải trước ngày 15/11/2017. Giao tổ công tác kiểm tra, đôn đốc tiến độ khắc phục của cơ sở, đảm bảo yêu cầu xử lý ô nhiễm và hạn chế ảnh hưởng đến mùa vụ thu hoạch cà phê trên địa bàn. Đồng thời, đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép tiến hành Dự án cắm mốc bảo vệ nguồn nước hang Tát Tòng. Hoàn thành cắm mốc trước ngày 30/5/2018.
Giao UBND thành phố Sơn La, UBND huyện Thuận Châu tăng cường quản lý, rà soát cơ sở chế biến cà phê trên địa bàn, yêu cầu phải thực hiện đúng Luật Bảo vệ môi trường, hướng dẫn cơ sở đăng ký cam kết bảo vệ môi trường. Hướng dẫn UBND các xã vùng nguyên liệu cà phê, nhất là các xã vùng nguyên liệu của các xưởng chế biến cà phê nêu trên, tuyên truyền, vận động nhân dân tạm ngừng thu hoạch cà phê trong thời gian cơ sở ngừng sản xuất để khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường.
Công ty CP cấp nước Sơn La tiếp tục theo dõi, đánh giá chất lượng nước nguồn đầu vào của Nhà máy nước Chiềng An. Vận hành nhà máy, cấp nước trở lại khi chất lượng nguồn nước đảm bảo không ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Có giải pháp cấp nước để duy trì hoạt động bình thường cho các trường học, bệnh viện trên địa bàn thành phố, triển khai ngay trong ngày 7/11/2017. Đề xuất dự án đầu tư, trình cấp có thẩm quyền cho phép xây dựng Hồ chứa nước thô dự phòng cho Nhà máy nước Chiềng An.
Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở TN&MT, Sở Xây dựng đề xuất quy hoạch vùng cấm, vùng được phép xây dựng cơ sở chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo yêu cầu phát triển vùng nguyên liệu cà phê, yêu cầu bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, trình UBND tỉnh phê duyệt trước 30/4/2018. Bàn giao kết quả đề án đánh giá ô nhiễm nguồn nước hang Thẳm Tát Tòng từ hoạt động chế biến cà phê cho Sở TN&MT để triển khai Dự án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, hoàn thành trước 15/12/2017.
Sở Y tế phối hợp với Công ty CP cấp nước Sơn La xét nghiệm chất lượng nước đầu vào của Nhà máy nước Chiềng An 2 lần/ngày. Khi chất lượng nước đầu vào đảm bảo, thông báo cho Công ty CP cấp nước Sơn La để vận hành lại Nhà máy.
Được biết, từ năm 2012 trở lại đây, ô nhiễm do nước thải trong quá trình sơ chế cà phê đối với nhà máy nước Thành phố Sơn La ngày càng trở nên nghiêm trọng. Hàng năm, cứ vào mùa thu hái và chế biến cà phê, Nhà máy nước Thành phố phải ngừng sản xuất nhiều lần. Trong đó, năm 2015, có 20 lần ngừng sản xuất với tổng số 151 giờ ngừng cấp nước; năm 2016 là 12 lần ngừng sản xuất với tổng số 86 giờ ngừng cấp nước; năm 2017 là 17 lần ngừng sản xuất với tổng số 124 giờ ngừng cấp nước. Đặc biệt từ ngày 4/11/2017 đến nay, Nhà máy nước Sơn La đã phải ngừng sản xuất, chưa xác định được thời điểm kết thúc ô nhiễm. Việc mất nước sinh hoạt đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sinh hoạt của khoảng 12.000 hộ khách hàng trên địa bàn thành phố.
Nguyễn Nga