Theo đó, tỉnh Sơn La đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT bố trí lắp đặt thử nghiệm thiết bị cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại 3 điểm, gồm: Hệ thống cảnh báo lũ quét trên suối Nậm Păm, huyện Mường La; suối Tấc, huyện Phù Yên và suối Tân, huyện Vân Hồ. Đây là các lưu vực có độ dốc lớn, mưa lớn dẫn đến đất dễ xói mòn, sạt lở, gây ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; chưa có hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, việc cảnh báo chủ yếu dựa trên các thông tin cảnh báo khí tượng thủy văn, dự báo thời tiết và lượng mưa đo được tại khu vực.
Trong đó, trên suối Nậm Păm, huyện Mường La vừa xảy ra trận sạt lở, lũ quét bất ngờ, bất thường trong lịch sử 70 năm qua vào ngày 2-3/8/2017, làm 13 người chết, 2 người mất tích, 15 người bị thương. Gây thiệt hại hơn 570 nhà, 15 điểm trường cùng hàng trăm ha lúa, hoa màu, hàng nghìn con gia súc, gia cầm…
Trên suối Tấc, huyện Phù Yên hàng năm thường xuất hiện từ 6-8 đợt lũ. Riêng năm 2017, từ ngày 9-11/10, mưa lớn kéo dài liên tục với lượng mưa 180mm gây lũ ống, lũ quét, làm 2 người chết, 5 người bị thương, hơn 500 nhà bị cuốn trôi, sập, sạt lở, gần 900ha lúa, ngô, hoa màu bị thiệt hại… Trên suối Tân, huyện Vân Hồ, do ảnh hưởng cơn bão số 5 tháng 9/2007, gây lũ quét, sạt lở, làm 9 người chết, 27 người bị thương, hơn 760 nhà bị cuốn trôi, sập, sạt lở; gần 1.500ha lúa hoa, rau màu, cây ăn quả bị thiệt hại…
Về các hệ thống cảnh báo lũ ống, lũ quét trên địa bàn tỉnh, năm 2011, thực hiện Quy hoạch Phòng, chống lũ bão và giảm nhẹ thiên tai, tỉnh Sơn La đã xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tỷ lệ 1/100.000. Song do tỷ lệ bản đồ nhỏ nên việc cảnh báo mới chỉ áp dụng trên diện rộng, chưa chi tiết được đến từng thôn, bản trong địa bàn xã, huyện. Bên cạnh đó, trong Quy hoạch trên, tỉnh Sơn La đã đưa ra hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở đất như hệ thống trạm đo mưa tự động, hệ thống biển cảnh báo, nhưng do thiếu kinh phí nên các công trình cảnh báo hầu như chưa được xây dựng.
Bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỉnh Sơn La đến 2013 của Đề án Điều tra đánh giá, phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam đã được xây dựng. Tuy nhiên, các điểm trượt lở mới điều tra, đánh giá đến năm 2013, chưa cập nhật hiện trạng gần đây nên tính ứng dụng thực tiễn không cao.
Do đó, để giúp người dân vùng nguy cơ xảy ra thiên tai lũ quét, sạt lở đất chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn cho người và tài sản, các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng các tiêu chuẩn về điều tra, khảo sát, thiết kế, thi công lắp đặt, nghiệm thu và các tài liệu hướng dẫn vận hành, bảo trì hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm thiên tai lũ quét, sạt lở đất.
Tỉnh Sơn La đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm chỉ đạo hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ ống, lũ quét tại các vùng được xác định có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở. Các khu vực nguy hiểm có nguy cơ cao và rất cao cần các bản đồ phân vùng chi tiết ở tỷ lệ 1/25.000 đến 1/10.000, đặc biệt với những nơi tập trung dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng cần tỷ lệ 1/5.000.
Hỗ trợ tổ chức tập huấn, đào tạo cán bộ chuyên môn cấp tỉnh, huyện, xã trong việc quản lý, sử dụng bản đồ. Chuyển giao bản đồ dạng số, hướng dẫn sử dụng phần mềm để địa phương có thể chủ động kết hợp với các tài liệu khác phục vụ công tác xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai.