Sơn La: Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường với sơ chế cà phê ướt

05/06/2018 20:35

(TN&MT) - Nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chế biến cà phê bằng phương pháp ướt trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã có công văn yêu cầu các sở, ngành, các đơn vị có liên quan về việc triển khai đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường với sơ chế cà phê ướt.

Nhiều năm qua, hoạt động chế biến cà phê bằng phương pháp ướt đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Nhiều năm qua, hoạt động chế biến cà phê bằng phương pháp ướt đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La có nhiều cơ sở sơ chế cà phê bằng phương pháp ướt với quy mô công nghiệp (khoảng 20-100 tấn quả tươi/ngày), quy mô cụm hộ gia đình (khoảng 10-15 tấn quả tươi/ngày) và quy mô gia đình (khoảng 1-2 tấn quả tươi/ngày). Các cơ sở tập trung chủ yếu tại 5 huyện, thành phố: Thuận Châu, Mai Sơn, Sốp Cộp, Sông Mã, thành phố Sơn La. Các cơ sở sơ chế cà phê bằng phương pháp ướt làm phát sinh lượng chất thải rắn và nước thải lớn, có nồng độ ô nhiễm cao. Hầu hết các cơ sở này chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, dẫn đến ô nhiễm do sản xuất, chế biến cà phê ngày càng gia tăng nghiêm trọng, xảy ra với quy mô lớn, địa bàn rộng, tác động ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

Nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chế biến cà phê bằng phương pháp ướt, UBND tỉnh Sơn La yêu cầu các sở, ngành, các huyện, thành phố, các cơ sở sơ chế cà phê bằng phương pháp ướt nghiêm túc lập, tổ chức thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường với các cơ sở chế biến cà phê. Triệt để thực hiện các biện pháp thu gom, xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Có khoảng cách đảm bảo không gây ô nhiễm nguồn nước. Cơ sở có hệ thống xử lý nước thải và lưu lượng nước thải từ 30m3/ngày đêm trở lên phải có nhật ký vận hành hệ thống xử lý nước thải được ghi chép đầy đủ, lưu giữ tối thiểu 2 năm. Trường hợp không tự xử lý nước thải có thể chuyển giao nước thải cho cơ sở có khả năng xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường để thực hiện.

Tỉnh Sơn La kiên quyết không cấp phép cho các cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn hoặc có nhưng không đảm bảo yêu cầu về môi trường
Tỉnh Sơn La kiên quyết không cấp phép cho các cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn hoặc có nhưng không đảm bảo yêu cầu về môi trường

Về công nghệ xử lý nước thải, hiện có nhiều đơn vị có chức năng thiết kế, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải bằng các công nghệ khác nhau như công nghệ xử lý kết hợp hóa học, sinh học, lọc sinh học… Chủ dự án cần lựa chọn các đơn vị tư vấn và nhà thầu có kinh nghiệm, năng lực và đã đầu tư công trình xử lý nước thải tương tự. Chất thải rắn là vỏ cà phê cần tái sử dụng toàn bộ để ủ làm phân bón cho cây trồng.

Các cơ sở sơ chế cà phê bằng phương pháp ướt quy mô công nghiệp (khoảng 20-100 tấn quả tươi/ngày) phải thiết kế và đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải đồng thời việc xây dựng cơ sở chế biến. Chỉ được vận hành sau khi cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của dự án.

Cơ sở quy mô cụm hộ gia đình (khoảng 10-15 tấn quả tươi/ngày) và hộ gia đình (1-2 tấn quả tươi/ngày), phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường trước khi đi vào sản xuất. Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận, trong đó có biện pháp xử lý chất thải và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan có liên quan lập, thẩm định, thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường của các cơ sở chế biến cà phê, tập huấn năng lực thẩm định kế hoạch bảo vệ môi trường cho các huyện, thành phố. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tăng cường kiểm tra sau thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường.

Sở NN&PTNT hướng dẫn tái sử dụng, xử lý và tiêu hủy các chất thải trong hoạt động chế biến cà phê. Sở KH&CN tổ chức nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến cà phê và xử lý chất thải cà phê, chú trọng tới quy mô chế biến cụm gia đình và hộ gia đình.

UBND các huyện, thành phố không cấp phép cho các cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn hoặc có nhưng không đảm bảo yêu cầu về môi trường. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường với các cơ sở chế biến cà phê. Chủ tịch UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để các cơ sở chế biến cà phê thuộc địa bàn quản lý gây ô nhiễm nguồn nước phải dừng cấp nước sinh hoạt.

Đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra với UBND xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn. Vận động nhân dân xây dựng nội dung bảo vệ môi trường trong hương ước. Phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn. Tiếp tục rà soát, đánh giá hiện trạng và mức độ ô nhiễm do sản xuất, sơ chế, chế biến cà phê trên địa bàn quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường với sơ chế cà phê ướt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO