Người dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn che chắn chuồng trại để giữ ấm cho gia súc. |
Gia đình ông Lèo Văn Trựa, bản Mòn, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn có 5 con trâu, bò. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, ngay từ tháng 10, gia đình đã chủ động thu gom rơm rạ, cây ngô, lá mía sau mùa thu hoạch dự trữ để làm thức ăn. Ông Trựa cho biết: Được sự hướng dẫn của cán bộ thú y xã, vào những ngày rét đậm, rét hại, các hộ dân trong bản không thả rông gia súc, chuồng trại được che chắn, đốt lửa sưởi ấm. Bên cạnh đó, chúng tôi được hướng dẫn tiêm phòng, đảm bảo dinh dưỡng giúp đàn vật nuôi tăng sức đề kháng, tăng khả năng chống rét.
Cùng với việc chủ động bảo vệ đàn vật nuôi, các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh cũng tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống rét bảo vệ cây trồng. Anh Nguyễn Bá Tuân, Giám đốc HTX Thiên Tân (Mai Sơn) cho biết: HTX hiện có 20 ha cây xoài, bưởi đang trong giai đoạn ra hoa, đậu quả. Ứng phó với những ngày nhiệt độ xuống thấp, HTX đã hướng dẫn các thành viên chủ động chăm sóc, bón đầy đủ các loại phân theo quy trình kỹ thuật để cây sinh trưởng phát triển tốt. Dùng rơm, rạ, thân cây ngô tủ gốc và giữ ẩm cho cây, vệ sinh vườn, tỉa những cành già cỗi, sâu bệnh.
Tại huyện Sông Mã, UBND các xã đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông, thú y xã cùng các trưởng bản tuyên truyền cho nhân dân rà soát và xây dựng, tu sửa, đảm bảo 100% các hộ chăn nuôi có chuồng nuôi nhốt trong mùa đông. Vận động nhân dân thường xuyên quét dọn, vệ sinh sạch sẽ, thu gom chất thải làm phân bón cho cây trồng; tập trung thu các loại cỏ trồng, phụ phẩm nông nghiệp, như rơm, cỏ khô, thân, lá để tích trữ làm thức ăn cho đàn gia súc. Không chăn thả trâu, bò trong những ngày mưa rét kéo dài, che chắn kỹ chuồng trại; thường xuyên quét dọn vệ sinh, giữ nền chuồng sạch sẽ, khô ráo...
Anh Lò Văn Hải, xã Huổi Một, huyện Sông Mã cho biết: Ngay từ đầu mùa đông, gia đình tôi đã chủ động tu sửa lại khu chuồng trại gia súc, chuẩn bị ủ chua rơm để dự trữ thức ăn trong mùa đông. Về thức ăn cho gia súc, thì triển khai ủ chua cỏ voi theo quy trình và tích trữ rơm, rạ để gần chuồng phòng những ngày trời mưa và giá rét.
Chị Nguyễn Thị Thuận, cán bộ khuyến nông xã Huổi Một, cho biết: Chúng tôi đã chủ động nắm bắt diễn biến thời tiết, sau đó liên hệ trực tiếp với các trưởng bản để tuyên truyền và yêu cầu người dân không để gia súc ở trên nương. Đồng thời, nhắc nhở người dân gia cố chuồng trại, dự trữ thức ăn tinh, thức ăn thô, xanh như làm cây rơm, tận dụng thân lá ngô vụ hè thu, trồng cỏ, để có đủ thức ăn cho gia súc trong mùa đông. Tăng cường vệ sinh phòng bệnh, định kỳ phun hóa chất sát trùng chuồng trại và các khu vực xung quanh chuồng nuôi.
Đặc biệt, để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò trong mùa đông cũng như các mùa khác trong năm, bà con trong xã đã tích cực chuyển đổi diện tích trồng ngô năng suất thấp sang trồng hơn 20 ha cỏ voi. Sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật ủ chua thức ăn cho trâu, bò do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sông Mã tổ chức, nhân dân xã Huổi Một đang áp dụng mô hình ủ chua thức ăn cho gia súc và đạt hiệu quả tích cực, giúp đàn gia súc tăng trưởng và phát triển tốt.
Người dân xã Huổi Một, huyện Sông Mã quây kín chuồng chăn nuôi gia súc khi nhiệt độ xuống thấp. |
Theo thống kê, tỉnh Sơn La hiện có khoảng hơn 900.000 con gia súc, và gần 7 triệu con gia cầm. Để tránh thiệt hại cho đàn vật nuôi trong các đợt rét đậm rét hại, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã có công văn gửi các huyện, thành phố hướng dẫn các địa phương thống kê, nắm rõ tổng đàn gia súc, gia cầm, các trang trại chăn nuôi để triển khai kịp thời các biện pháp bảo vệ.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi bảo quản và dự trữ thức ăn, nhất là rơm rạ, cỏ khô; chế biến thức ăn ủ chua, ủ rơm urê; tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò. Tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng đàn vật nuôi, đặc biệt đối với gia súc non, già yếu. Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động gia cố chuồng trại, đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt nền chuồng. Dự trữ chất đốt để đốt, sưởi cho vật nuôi trong những ngày rét đậm rét hại. Kiểm tra chặt chẽ tình hình dịch bệnh, đặc biệt tả lợn châu Phi, khi phát hiện gia súc, gia cầm bị bệnh phải có biện pháp can thiệp kịp thời.
Đối với diện tích cây trồng vụ đông xuân, chủ động chăm sóc, tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục, phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học cho cây nhằm tạo bộ rễ mới, tăng sức chống chịu thời tiết khắc nghiệt; không bón đạm khi nhiệt độ dưới 15ºC. Đối với các loại cây trồng ưa ấm, nhất là các loại rau màu trái vụ, thực hiện che bạt, phủ nilon; đặc biệt, hướng dẫn bà con chống rét cho mạ, tuyệt đối không gieo mạ những ngày nhiệt độ dưới 13ºC. Theo dõi sát diễn biến thời tiết, điều tra dự tính dự báo và phòng trừ sâu, bệnh hại kịp thời; đồng thời chuẩn bị đủ lượng giống dự phòng để chủ động ứng phó khi thời tiết bất thường xảy ra.