Là công trình trọng điểm Quốc gia, Nhà máy thủy điện Sơn La với công suất 2.400 MW luôn chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa trong quá trình vận hành. Công ty đã sửa chữa, bảo dưỡng những hạng mục liên quan trực tiếp đến phòng, chống bão lũ, như: Các tổ máy, đập tràn xả lũ, thiết bị thông tin liên lạc... Tuân thủ nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa; hoàn thiện các phương án đảm bảo an toàn đập, an toàn hạ du và quy chế phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác PCTT&TKCN.
Thủy điện Sơn La đảm bảo vận hành an toàn hồ chứa. |
Ông Khương Thế Anh, Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La, thông tin: Công ty đã thành lập Ban Chỉ huy và Đội xung kích PCTT&TKCN; ban hành kế hoạch, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên. Việc kiểm soát đánh giá an toàn công trình được thực hiện tự động từ các thiết bị được lắp đặt trong công trình, hồ chứa; với trên 1.200 cảm biến đã lắp đặt tại Thủy điện Sơn La, kết nối, thu thập tự động vào hệ thống ADAS của đơn vị để đánh giá an toàn ổn định công trình. Cùng với đó, xây dựng 14 trạm cảnh báo bằng loa và 16 biển báo, bố trí trong bán kính 25 km hạ lưu nhà máy, đảm bảo kịp thời cung cấp thông tin tức thời về chế độ chạy máy và xả lũ đến các xã, bản trên địa bàn. Thí điểm thành lập Trung tâm Kiểm soát an toàn công trình trên bậc thang thủy điện sông Đà….
Còn tại Cụm Nhà máy thủy điện Nậm Pia (Nậm Pia và Nậm Pia 1) trên địa bàn xã Chiềng Hoa, huyện Mường La, để bảo đảm an toàn cho đập, hồ chứa, chủ đầu tư đã thường xuyên kiểm tra an toàn đập, hồ chứa, báo cáo hiện trạng an toàn đập với các cơ quan quản lý nhà nước; xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo quy định. Trong mùa mưa lũ, duy trì trực 24/24 giờ với phương châm “4 tại chỗ” nhằm đảm bảo an toàn cũng như đối phó kịp thời với những sự cố có thể xảy ra. Triển khai rà soát phương án thông tin, liên lạc, bảo đảm thông suốt trong mọi tình huống.
Ông Trương Đình An, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Nậm Pia, cho biết: Trong thời gian vận hành nhà máy, đơn vị thường xuyên kiểm tra đập, kênh dẫn…. các công trình từ đập đầu mối tới nhà máy, nhất là trước và sau các trận lũ để đảm bảo các công trình và nhà máy hoạt động bình thường, trường hợp có sự cố xảy ra là có biện pháp khắc phục ngay, tránh gây thiệt hại cho công trình.
Cùng với đó, đã lập Quy trình vận hành hồ chứa nhà máy thủy điện và được UBND tỉnh phê duyêt; lập phương án bảo vệ đập Nậm Pia, trình Sở Công Thương và UBND tỉnh phê duyệt; Phương án ứng phó tình huống khẩn cấp đập, hồ chứa thủy điện Nậm Pia…
Ngoài 3 nhà máy thủy điện lớn, toàn tỉnh Sơn La hiện có 53 nhà máy thủy điện nhỏ đang hoạt động, công suất 584,1 MW. |
Theo báo cáo từ Sở Công Thương Sơn La, ngay từ đầu năm, Sở Công thương đã ban hành Kế hoạch để kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư chấp hành các quy định về đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các công trình thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh năm 2021; các kế hoạch và công văn triển khai thực hiện các biện pháp tăng cường đảm bảo an toàn hồ đập và dự án thủy điện nhỏ…
Qua kiểm tra tại các công trình thủy điện, cơ bản các chủ đầu tư thủy điện đã thực hiện nghiêm túc và chấp hành các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa, như: Rà soát và báo cáo hiện trạng an toàn đập, hồ chứa trước mùa mưa lũ và đảm bảo an toàn vận hành, chống lũ.
Trước khi tích nước phát điện, công trình thủy điện có đập, hồ chứa đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy trình vận hành, phương án bảo vệ đập. Đồng thời, chuẩn bị nhân lực, thiết bị, vật tư, sẵn sàng ứng phó với các tình huống mất an toàn của đập theo phương án được phê duyệt. Với các công trình thủy điện đang thi công xây dựng, đã được cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp phê duyệt phương án ứng phó thiên tai cho công trình và vùng hạ du đập để triển khai thực hiện.