Tổng cục Môi trường cho biết, hiện, Tổng cục được Bộ TN&MT giao chủ trì thực hiện 3 nhiệm vụ lập quy hoạch, gồm: Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, đối với Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tổng cục đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn lập quy hoạch là Liên danh Trung tâm Địa môi trường và Tổ chức lãnh thổ - Trung tâm Viễn thám và Công nghệ thông tin vào tháng 12/2021, với thời gian thực hiện là 8 tháng để tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của quy hoạch theo quy định. Đến nay, tiến độ chung đạt khoảng 15% khối lượng toàn dự án.
Về Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tổng cục đã phê duyệt kết quả lựa chọn đơn vị xây dựng hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu số 4 “Lập quy hoạch BVMT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Các đơn vị tư vấn đã hoàn thiện hồ sơ mời thầu và thẩm định hồ sơ mời thầu đối với gói thầu số 4 trong tháng 12/2021.
Đồng thời, phối hợp với các chuyên gia xác định mục tiêu, nội dung và sản phẩm thực hiện để đề xuất biện pháp tổ chức thực hiện. Rà soát, đánh giá xác định rõ phạm vi, đối tượng của quy hoạch, trên cơ sở đó, đã đưa nội dung đề nghị cung cấp nội dung, thông tin phục vụ lập quy hoạch trong dự thảo văn bản của Bộ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành liên quan.
Về Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tổng cục đã chủ động thu thập thông tin về chương trình quan trắc của toàn bộ 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị quan trắc trực thuộc Bộ/ngành, các đơn vị quan trắc thuộc Bộ.
Thông qua các thông tin thu được, Tổng cục đã tổng hợp một số thông tin ban đầu về hệ thống quan trắc môi trường của địa phương nhằm làm căn cứ xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia; năng lực các phòng thử nghiệm tại 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và một số các đơn vị nghiên cứu trực thuộc Nhà nước.
Trong qua trình thực hiện các quy hoạch, Tổng cục còn gặp một số khó khăn vướng mắc. Cụ thể như về Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch lần đầu tiên ở Việt Nam, do đó, chưa có dữ liệu của thời kỳ quy hoạch trước; một số quy định về phân vùng môi trường, vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải, quy định về cảnh quan thiên nhiên… mới được đưa vào Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Một số bản đồ sản phẩm quy hoạch BVMT đòi hỏi phải có các bản đồ chuyên đề mới có thể thực hiện được như: bản đồ hiện trạng và định hướng phân vùng môi trường…;
Tổng cục đề nghị Bộ xem xét báo cáo Chính phủ lùi thời gian thực hiện Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tổng cục cũng kiến nghị Lãnh đạo Bộ xem xét, chỉ đạo Cục Đo đạc, bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cung cấp bản đồ nền tỷ lệ 1/250.000 1/500.000 và tỷ lệ 1/1.000.000 vào mục đích của dự án quy hoạch Tổng cục Môi trường đang xây dựng; hoặc cho phép sử dụng các tài liệu mà nhà thầu tư vấn tự thu thập được và đang sử dụng. Đồng thời, xem xét, thống nhất xây dựng bản đồ và báo cáo theo 6 vùng sinh thái (để thống nhất với Quy hoạch sử dụng đất quốc gia và các quy hoạch khác).
Đặc biệt, đề nghị Bộ xem xét, chỉ đạo về việc lập Ban Chỉ đạo liên ngành giữa lĩnh vực TN&MT và các lĩnh vực liên quan khác (lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng…) với sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan để bảo đảm tính thống nhất trong các quy hoạch liên quan.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, đây là 3 quy hoạch có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Do đó, Tổng cục Môi trường cần khẩn trương bám sát các quy trình xây dựng, mời thầu, đôn đốc các đơn vị tư vấn để đảm bảo tiến độ, chất lượng tránh quy hoạch ảnh hưởng quy hoạch khác ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ trưởng cũng lưu ý, các quy hoạch cần xây dựng trên cơ sở các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường dựa trên kết quả phân tích các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ quy hoạch.
Thứ trưởng yêu cầu, Tổng cục Môi trường khẩn trương xây dựng Dự thảo các quy hoạch theo kế hoạch được giao để sớm lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các Bộ ngành để tiếp thu, hoàn thiện.