Tuy nhiên, hiện việc này vẫn còn hạn chế. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời gian qua, qua các cuộc giám sát về quản lý, sử dụng
đất đại tại các nông lâm trường cũng như báo cáo của các tính, hiện nay các NLT dù đã chuyển đổi cơ chế mới, hoạt động theo luật doanh nghiệp, theo cơ chế thị trường, có những thay đổi nhất định, nhưng về cơ bản NLT vẫn được Nhà nước giao cho nguồn quỹ đất rất lớn.
Chẳng hạn với rừng, năm 2014 vẫn được giao hơn 7 triệu hécta, nhưng NT sản xuất, kinh doanh lại không hiệu quả. Đặc biệt là các Công ty nông lâm nghiệp, các Ban quản lý rừng. Những đơn vị này vừa làm nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh vừa làm nhiệm vụ công ích nhưng còn lẫn lộn giữa 2 chức năng. Chính từ sự lẫn lộn đó mà quản lý đất đai không chặt chẽ.
Trong khi đó, theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, có hơn 30 nghìn hộ dân thiếu đất sản xuất, không có đất sản xuất. Rất nhiều nơi bà con
không đủ đất sản xuất hoặc có đất rất xấu không sản xuất được, tuy nhiên, diện tích đất được thu hồi không nhiều. Thu hồi chưa nhiều
vì còn vướng mắc, phải xử lý được tài sản trên đất mới có thể chia cho dân. Nếu bây giờ thu hồi đất mà không xử lý được tài sản trên đất thì người dân không đủ sức thanh lý tài sản này. Có nơi chỉ thu hồi được khoảng 500.000 hécta đất, có nơi cũng thu hồi được diện tích đất tương tự nhưng chỉ là hợp lý hóa vì đất đã bị lấn chiếm
trước đó.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Giàng A Chu cho rằng, nguyên nhân của việc chậm thu hồi đất chủ yếu là chưa có cơ chế thanh lý tài sản trên đất. Như Tổng công ty Giấy Việt Nam họ đã sẵn sàng bàn giao đất cho địa phương và chỉ giữ lại 50% diện tích đất hiện có. Tuy nhiên, giờ vẫn chưa thu hồi được vì kỳ sản xuất chưa kết thúc.
Những tài sản trên đất như cây cối người dân không thể thanh lý được. Một nguyên nhân nữa khiến sự chậm trễ trong giao đất, đó là địa phương chưa tập trung vào nội dung này. Một số địa phương thấy sự bất hợp lý của dân thiếu đất mà NLT “ôm” đất, đã tiến hành thu hồi đất nhưng khi tổ chức thực hiện thấy vướng nên không kiên quyết, không làm đến cùng nên mới xảy ra chậm trễ.
Để giải quyết tình trạng này, ông Chu cho rằng, phải có giải pháp thanh lý tài sản trên đất. Chẳng hạn đối với cây con gần hết chu kỳ sản xuất, tạo điều kiện cho người dân nhận khoán, sau đó có các cơ chế cho họ bán sản phẩm đó để thu hồi lại tài sản có giá trị trên
đất. Đó là với những tài sản trên đất có giá trị, đối với tài sản hiệu quả kinh tế không cao, Nhà nước phải thanh lý, có kinh phí đền bù cho chủ đất, đền bù cho NLT. Trên cơ sở đó, có quỹ đất sạch giao lại cho dân tổ chức sản xuất. Đồng thời, tiếp tục rà soát các NLT, nếu họ không đủ điều kiện hoạt động, phải tạo điều kiện cho họ giải thể, để giao lại cho người sử dụng đất có hiệu quả làm.
“Tôi tin, nếu giao đất cho dân kết hợp hướng dẫn người dân sản xuất sẽ không còn cảnh lãng phí đất NLT khiến dư luận bức xúc thời gian qua”, ông Chu chia sẻ.