Ông Đinh Thái Sơn, Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm - đơn vị tư vấn cho biết, công tác thăm dò khoáng sản kaolin-felspat khu vực trên đã đạt được một số kết quả. Cụ thể, nghiên cứu làm sáng tỏ đặc điểm địa chất của các thành tạo đất, đá có mặt trong diện tích thăm dò. Qua kết quả tuyển quặng kaolin, khu thăm dò sẽ thu được tinh quặng có chất lượng đáp ứng yêu cầu của loại kaolin làm nguyên liệu sản xuất các loại sứ vệ sinh, gồm sứ dân dụng cao cấp, gốm sứ mỹ nghệ, gạch trang lát, vật liệu chịu lửa Samốt A và cao su. Quặng felspat khu vực Giáp Lai - Tất Thắng sau khi tuyển sẽ thu được 4 sản phẩm tinh quặng.
Ngoài ra, đặc điểm địa chất thủy văn - địa chất công trình của khu vực đơn giản. Quặng kaolin-felspat phần lớn nằm trên mức xâm thực địa phương, dễ tháo khô mỏ bằng phương pháp chảy tự nhiên. Các nhánh suối chảy qua các thân quặng chỉ có nước về mùa mưa với lưu lượng nước nhỏ nên việc xử lý thoát nước của các nhánh suối này không phức tạp, chỉ cần đào mương nắn dòng là khắc phục được nguồn nước mặt chảy vào moong khai thác mà không cần đầu tư lớn.
Bên cạnh đó, mỏ có điều kiện khai thác thuận lợi, khi khai thác, ít có tác động xấu đến môi trường sinh thái của khu vực xung quanh. Do vậy, cần sớm đưa mỏ vào khai thác nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Theo ông Phạm Văn Hưng, Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, từ các tài liệu khảo sát kết hợp với tài liệu mô tả, lấy mẫu trong các lỗ khoan, hào…, Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm đã thành lập bản đồ địa chất mỏ tỷ lệ 1/2.000. Mức độ chi tiết của nghiên cứu địa chất là cơ bản phù hợp với tỷ lệ của bản đồ; việc khoanh nối các thành tạo địa chất trên bản đồ là phù hợp với các tài liệu hiện có.
Ông Hưng đánh giá, công tác nghiên cứu chất lượng và tính chất công nghệ đã cơ bản làm rõ được chất lượng và tính chất công nghệ của quặng kaolin, felspat tại khu thăm dò. Tuy nhiên, báo cáo chưa nêu rõ được các khoáng sản khác đi kèm cùng với quặng kaolin (cát xây dựng, felspat bột…). Mặc dù, đơn vị tư vấn đã lấy và phân tích mẫu quặng nguyên khai và sản phẩm trên rây 0,21mm để xác định chúng nhưng do không đạt chỉ tiêu theo quy định. Do trữ lượng quặng kaolin tại các khu thăm dò không lớn nên tồn tại trên là có thể chấp nhận được. Trong quá trình khai thác, chế biến kaolin, Công ty TNHH Cao Lâm Phú Thọ (chủ đầu tư) cần lưu ý vấn đề này để đảm bảo tiết kiệm tài nguyên khoáng sản.
Ông Nguyễn Văn Nguyên - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam - Ủy viên Hội đồng cho rằng, đơn vị tư vấn đã thành lập báo cáo theo quy định, số liệu thăm dò, kết quả tính, phương pháp tính trữ lượng và tài nguyên đủ độ tin cậy để tiến hành khai thác đem lại hiệu quả cho địa phương.
Đánh giá số liệu trữ lượng trong báo cáo có cơ sở pháp lý cao, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên và các thành viên Hội đồng đã nhất trí phê duyệt trữ lượng kaolin-felspat khu vực Giáp Lai - Tất Thắng để chủ đầu tư chuẩn bị các thủ tục đưa mỏ vào khai thác.
Theo đó, trữ lượng quặng kaolin cấp 122 là 133,7 nghìn tấn nguyên khai trạng thái tự nhiên, tương ứng 50,1 nghìn tấn kaolin dưới rây 0,21 mm trạng thái khô; tài nguyên cấp 333 là 51,1 nghìn tấn nguyên khai trạng thái tự nhiên, tương ứng 18,6 nghìn tấn kaolin dưới rây 0,21 mm trạng thái khô, đạt khoảng 46% mục tiêu của đề án thăm dò. Trữ lượng quặng felspat cấp 122 là 707,9 nghìn tấn trạng thái tự nhiên; tài nguyên cấp 333 là 405,9 nghìn tấn trạng thái tự nhiên, vượt 50,6% mục tiêu của đề án thăm dò.
Tại cuộc họp, Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia cũng đã đánh giá trữ lượng đá vôi, dolomit làm nguyên liệu sản xuất công nghiệp tại mỏ T46, núi Hải Phú, xã Thanh Nghị và xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam; quặng chì – kẽm khu vực Phia Đăm – Khuổi Mạn, xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn và đá trang trí mỹ nghệ khu vực Suối Giàng 1, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.