Sóc Trăng: Tập trung thực hiện các giải pháp hạn chế ô nhiễm từ bao gói thuốc bảo vệ thực vật

06/06/2018 14:05

(TN&MT) - Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6/2018, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đồng loạt tổ chức các hoạt động góp phần làm sạch môi trường. Bên cạnh đó, Chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng còn tổ chức Hội thảo bàn các giải pháp thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

STA
Quang cảnh Hội thảo thu gom bao gói thuốc BVTV ngày 5/6/2018 tại huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng)

Hiện nay, thuốc BVTV vẫn giữ vai trò quan trọng đối với ngành Nông nghiệp, vì thế thuốc BVTV được người dân tỉnh Sóc Trăng sử dụng ngày càng tăng về số lượng, chủng loại. Điều này dẫn hệ lụy là một lượng lớn bao gói thuốc BVTV phát sinh sau sử dụng chưa được thu gom, xử lý triệt để, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường đất, nước, không khí,...

Do vậy, để hạn chế ô nhiễm từ bao gói thuốc BVTV, các đại biểu tham gia Hội thảo đều cho rằng, "phòng bệnh hơn trị bệnh" là phương châm và kim chỉ Nam trong hoạt động quản lý và xử lý chất thải nguy hại - bao bì thuốc BVTV sau sử dụng bằng các giải pháp quản lý gián tiếp và trực tiếp hướng tới mục tiêu giảm dư lượng, tác động của thuốc BVTV đến sức khỏe cộng đồng và môi trường, giảm rủi ro, kinh phí một cách tiết kiệm và hiệu quả.

Cụ thể, cần hạn chế sử dụng thuốc BVTV và cấm sử dụng theo Danh mục do Cục Bảo vệ Thực vật ban hành; khuyến khích và hỗ trợ các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, kém độc hại cho môi trường, hoặc sử dụng các hoạt chất ít độc có chu kỳ bán phân hủy ngắn trong môi trường và có hiệu quả phòng trừ; tuyên truyền áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM (integrated pest management) do Bộ NN&PTNT đang triển khai ở một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL…

"Điều cần thiết là phải có sự tham gia của nhiều bên bao gồm nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và chính quyền địa phương, qua đó lồng ghép các chương trình 3 giảm 3 tăng (giảm lượng giống, phân và thuốc BVTV; tăng năng suất, hiệu quả kinh tế, tăng sức khỏe con người - môi trường - xã hội); Một phải Năm giảm;... Bên cạnh đó, phương pháp kiểm soát sinh học nên được áp dụng, can thiệp vào hệ sinh thái đồng ruộng theo hướng có ích cho thiên địch - các sinh vật có ích và tổn hại đối với sâu bệnh..." - ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó trưởng Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên - Trường Ðại học Cần Thơ nhấn mạnh. 

Ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào thực hiện mô hình “cánh đồng mẫu lớn" cũng là giải pháp hiệu quả khi việc sử dụng thuốc BVTV được giảm thiểu đáng kể do áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong kiểm soát sâu bệnh, hạn chế phun thuốc theo dạng tiếp thị, quảng cáo từ các công ty kinh doanh thuốc BVTV, giảm dư lượng thuốc trong nông sản để nâng cao chất lượng lúa gạo bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu…

STB
Trong thời gian tới, các bể lưu chứa chai lọ, bao bì thuốc BVTV sẽ được triển khai lắp đặt ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Về giải pháp trực tiếp, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong thu gom, giảm vứt bao bì bừa bãi; thiết lập nhóm - tổ cộng đồng tự quản công tác thu gom, lưu giữ và quản lý bể thu gom bao gói thuốc BVTV. Điều quan trọng là tuyệt đối vứt bỏ bao bì đã dùng hết vào bể, không để dư thừa, không vứt ra môi trường; không thải bỏ lượng thuốc BVTV dư thừa vào nguồn nước, đất; không tự ý đem đốt, sử dụng bao gói cho mục đích khác; bể chứa phải thiết kế phù hợp đảm bảo bốc dỡ dễ dàng, không bị mưa và ngập nước và an toàn cho nguồn nước xung quanh; doanh nghiệp đầu tư trực tiếp sản xuất cây trồng nông, lâm nghiệp có phát sinh bao gói thuốc BVTV, chủ nhà máy sản xuất thuốc BVTV nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường...

Trên cơ sở kế hoạch thu gom, lưu giữ, trung chuyển, xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, Chi Cục phó Phụ trách Chi cục Bảo vệ Môi trường Sóc Trăng, Nguyễn Thụy Kiều Diễm mong rằng: “Người sử dụng, chính quyền cấp xã, huyện cần nêu cao tinh thần trách nhiệm. Trong đó người sử dụng sau khi pha chế, phun rải thuốc BVTV phải thu gói thuốc BVTV để vào bể chứa theo quy định, không để bao gói thuốc BVTV chung với rác thải sinh hoạt, rác vệ sinh đồng ruộng; không đốt hoặc chôn lấp loại rác thải này. Trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã lựa chọn đơn vị quản lý bể chứa, khu vực lưu chứa, ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thực hiện việc thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng từ bể chứa đến trạm trung chuyển chất thải nguy hại, chọn điểm đặt bể chứa, xây dựng bể chứa theo đúng quy định...”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sóc Trăng: Tập trung thực hiện các giải pháp hạn chế ô nhiễm từ bao gói thuốc bảo vệ thực vật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO