Sóc Trăng: Ấm no hơn từ những màu xanh

Lê Hùng| 13/02/2023 10:51

Trở lại An Hiệp trong những ngày đầu xuân, tôi không khỏi ngạc nhiên trước những đổi thay khi chen trong màu xanh của cây cối là rất nhiều những ngôi nhà cao tầng; con đường vào xã phẳng lì bê tông và rực rỡ sắc hoa; không còn cảnh rác chất đống bừa bãi ven kênh rạch làm chặn dòng chảy. Giảm nghèo gắn với BVMT đã và đang từng ngày hiển hiện ở An Hiệp hôm nay.

a1-st-mt.jpg
Với sự nỗ lực, cố gắng của chính quyền địa phương, người dân, hiện nay trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng đang xuất hiện nhiều tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp.

Sản xuất xanh để giảm nghèo

Trước đây, nhắc đến xã An Hiệp (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng), người ta nghĩ ngay đến một vùng nghèo khó do nằm ở vị trí địa lý và thời tiết không thuận lợi. Thế nhưng vài năm trở lại đây, tình hình phát triển kinh tế và cảnh quan môi trường ở xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều khởi sắc nhờ vào việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, cải tạo cảnh quan môi trường.

Ấp Bưng Chóp B, xã An Hiệp có diện tích tự nhiên khoảng 500 hecta, dân số khoảng 700 hộ, tương ứng 3.000 người, trong đó đồng bào DTTS chiếm 90% tổng số. Trước đây, do tập quán canh tác manh mún, nhỏ lẻ cộng với sự thay đổi thất thường của thời tiết đã làm cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tỉ lệ hộ nghèo cao hơn so với các ấp khác trên địa bàn xã.

Để giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống sớm thoát cảnh nghèo khó, xã An Hiệp đã thành lập các tổ hợp tác xã sản xuất lúa màu với sự tham gia của hàng trăm người dân; đồng thời thay đổi phương thức sản xuất theo hướng quy mô lớn, giá trị cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Không giấu được niềm vui, ông Thạch Hoàng ở ấp Bưng Chóp B, xã An Hiệp chia sẻ với phóng viên: “Trước gia đình tôi nghèo lắm. Cố gắng làm lụng nhưng làm tới đâu ông trời phá tới đó. Thế rồi được cán bộ vận động, tôi mạnh dạn tham gia hợp tác xã. Cứ xã viên tham gia hợp tác xã sẽ được hỗ trợ phân bón hữu cơ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu. Sau hơn 2 năm tham gia sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, thu nhập của gia đình tôi đã được nâng lên đáng kể, góp phần giúp gia đình thoát được cái nghèo”.

Không chỉ dừng ở việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân chuyển đổi các mô hình sản suất theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, xã An Hiệp và các phòng chuyên môn huyện Châu Thành còn khuyến khích bà con áp dụng các mô hình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường; tận dụng phế phẩm trong trồng trọt và chất thải trong chăn nuôi làm phân hữu cơ bón cho cây trồng. Nhiều gia đình đã tin tưởng, thực hiện theo hướng dẫn và mang lại hiệu quả kinh tế cao như ông Thạch Siếu, ở ấp Bưng Chóp B, ông phấn khởi cho biết: “Việc áp dụng các mô hình sản xuất xanh không chỉ hạn chế sử dụng phân bón hóa học có hại cho môi trường đất, nước, không khí, mà còn giúp gia đình tôi giảm chi phí đầu tư, làm ra sản phẩm nông nghiệp sạch bán cho người tiêu dùng”.

Ngoài việc thay đổi môi hình sản xuất thân thiện với môi trường, ông Thạch Siếu và một số hộ dân còn tích cực tham gia vào các phong trào trồng cây xanh dọc các tuyến đường ấp Bung Chóp B; thu gom, phân loại rác thải, hạn chế sử dụng chất thải nhựa. Thực tế ở An Hiệp hôm nay đã chứng minh sức mạnh lòng tin của dân với chính quyền. Khi dân đã tin tưởng thì mọi công việc sẽ trở nên đơn giản và thuận lợi hơn.

Trò chuyện với phóng viên, ông Thái Hồng Hà - Phó Chủ tịch UBND xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Chúng tôi xác định phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Vì vậy, các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỉ lệ hộ nghèo đều phải tính đến yếu tố môi trường, hơn thế, phải tính đến vấn đề phát triển bền vững dựa trên các yếu tố sản xuất xanh thân thiện môi trường. Cùng với đó, An Hiệp đang tích cực vận động người dân giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp ở khu dân cư, đặc biệt là đẩy mạnh phân loại rác thải và hạn chế sử dụng túi ni lông, đồ nhựa để giảm tải chi phí cho vấn đề xử lý rác”.

a2-st-mt.jpg
Hoạt động xây dựng cảnh quan môi trường cho các tuyến đường, khu dân cư,… đang được các ngành, các cấp, người dân tỉnh Sóc Trăng quan tâm thực hiện.

Đưa phong trào bảo vệ môi trường đi vào chiều sâu, thực chất

Xanh - sạch - đẹp và thoát nghèo không chỉ là câu chuyện của Bưng Chóp B, xã An Hiệp mà còn đang hiện hữu ở nhiều xã thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, trong đó có nhiều xã có đông đồng bào DTTS sinh sống. Trong chuyến đi này, đến đâu tôi cũng gặp những ngôi nhà mới xây, tường kiên cố, thiết kế thoáng mát; cảnh quan môi trường ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, các tuyến đường liên ấp, liên xã, liên huyện có chiều dài hàng chục cây số đã trải thảm bê tông phẳng lì, dọc hai bên đường là những hàng cây kèn hồng, hoàng yến, mười giờ, soi nhái, chiều tím,… thi nhau khoe sắc.

Có được những thành quả này là nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành cùng với sự chung sức, đồng lòng của người dân nói chung, đồng bào DTTS nói riêng trên địa bàn huyện trong việc thực hiện hiệu quả các giải pháp vừa phát triển kinh tế, vừa BVMT.

Rộng hơn, đó là tầm nhìn từ các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trong thời gian qua đã giúp huyện Châu Thành có điều kiện đầu tư nhiều dự án công trình quan trọng, đặc biệt là những công trình cải tạo các kênh, rạch, khu vực bị ô nhiễm.

Rộng hơn nữa, đó là kết quả của việc xây dựng một tinh thần đoàn kết, chủ động và ý thức trách nhiệm trong dân, trong đó phải kể đến sự góp sức của các hội đoàn thể, tổ chức tôn giáo, người dân. Sự nhất trí đồng lòng, chung tay góp sức ấy đã chứng minh bằng kết quả xây dựng cảnh quan môi trường trụ sở cơ quan, trường học, khu dân cư,…

Chia sẻ về những kết quả đạt được trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Châu Thành nói riêng, ông Phạm Văn Tùng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Thời gian qua, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh đạt nhiều thành tựu nổi bật, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh Sóc Trăng ngày càng xanh, sạch đẹp, hiện đại, văn minh. Để có được thành tựu này có sự đóng góp rất lớn của các sở, ban ngành, huyện, thị xã, thành phố trong việc triển khai các biện pháp BVMT; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân từ khu vực đô thị cho đến nông thôn tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.

Bên cạnh niềm vui ấy là muôn vàn những nỗi băn khoăn mà những người làm công tác quản lý, BVMT của Chi cục Bảo vệ môi trường nói riêng và Sở TN&MT Sóc Trăng nói chung rất thấu hiểu, như lời một cán bộ phòng TN&MT từng nói: “Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ khó khăn, phải thực hiện thường xuyên, lâu dài và không bao giờ có điểm dừng”.

Nhiều hoạt động triển khai, phổ biến các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành đến người dân biết để thực hiện đang diễn ra rộng khắp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, chú trọng hơn ở các vùng đồng bào DTTS. Nói đi đôi với làm, vừa tuyên truyền vừa triển khai thực hiện, để người dân không chỉ hiểu Luật mà còn phải làm theo Luật; không chỉ BVMT trong đời sống sinh hoạt mà còn phải bảo vệ môi trường trong lao động, sản xuất.

Nhìn từ nỗ lực hôm nay của Sóc Trăng, trong tôi đang phấn chấn niềm tin một ngày không xa, cuộc sống sẽ còn nhiều đổi thay tích cực, cùng với môi trường xanh – sạch – đẹp, ấm no sẽ đến trong mỗi ngôi nhà, với mỗi người dân nơi đây, góp phần hiện thực hóa mục tiêu thoát nghèo, phát triển bền vững gắn với BVMT trên địa bàn tỉnh.

Tính đến cuối năm 2022, xã An Hiệp vẫn còn 343 hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí chuẩn nghèo mới, trong đó phần lớn là hộ đồng bào DTTS. Năm 2023, An Hiệp đặt mục tiêu giảm khoảng 170 hộ nghèo và cận nghèo. Hiện nay, ngoài việc triển khai đầy đủ các chủ trương, chính sách chung của tỉnh, huyện về phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, An Hiệp còn tập trung phát huy nội lực, tận dụng nguồn tài nguyên và vị trí là cửa ngõ của tỉnh Sóc Trăng để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, hướng đến mục tiêu xóa nghèo bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sóc Trăng: Ấm no hơn từ những màu xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO