Khu sinh thái Lưu Gia Trang rộng trên 6000m2 được xây dựng phía ngoài đê sông Đào. |
Để làm rõ phản ánh của người dân về việc khu sinh thái Lưu Gia Trang do Công ty TNHH Trường Thoa đầu tư xây dựng phía ngoài đê sông Đào với nhiều hạng mục công trình kiên cố liệu có đúng với quy định, có được cấp phép xây dựng, có đảm bảo an toàn cho hành lang bảo vệ đê và không gian thoát lũ, PV đã trực tiếp đến Sở Xây dựng tỉnh Nam Định, gặp ông Nguyễn Như Vịnh – Chánh văn phòng Sở để liên hệ, đặt lịch làm việc và trình các giấy tờ có liên quan, để lại nội dung làm việc theo đúng quy định nhưng vị cán bộ Sở biểu hiện “né báo chí”.
Nhiều hạng mục công trình được xây dựng kiên cố “án ngữ” trên khu vực bảo vệ đê và không gian thoát lũ. |
Sau khi tiếp nhận nội dung PV quan tâm, ông Nguyễn Như Vịnh nói sẽ sắp xếp lịch để cung cấp thông tin cho PV. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng đặt lịch làm việc, ông Vịnh vẫn “bặt vô âm tín” không có thông tin phản hồi. Trước đó, PV cũng đã nhiều lần gọi điện để liên hệ nhưng ông Vịnh luôn lấy lý do “lãnh đạo Sở bận” nên chưa thể làm việc và cung cấp thông tin.
Cổng vào khu sinh thái được xây dựng kiên cố sát mặt đê sông Đào, xung quanh là tường bao, xây cao trên 2m. |
Được biết, sau khi người dân phản ánh về việc khu sinh thái Lưu Gia Trang nằm phía ngoài đê sông Đào vi phạm vào khu vực bảo vệ đê, không gian thoát lũ… Thàng 5/2019, UBND tỉnh Nam Định đã có quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành 6 Sở do Giám đốc Sở Xây Dựng làm trưởng đoàn để thanh tra toàn bộ việc xây dựng, sử dụng đất của Công ty TNHH Trường Thoa.
Một công trình quán café, nhà hàng được xây dựng sát mép sông Đào. |
Liên quan đến sự việc trên, PV tiếp tục liên hệ làm việc với Sở Xây dựng tỉnh Nam Định. Tuy nhiên ông Nguyễn Như Vịnh – Chánh Văn phòng Sở cho biết: “Đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức về việc thanh tra khu sinh thái Lưu Gia Trang”.
Khi được đề nghị cung cấp “quyết định thành lập đoàn thanh tra”, nội dung thanh tra khu sinh thái Lưu Gia Trang, ông Vịnh từ chối cung cấp và cho rằng đây là “tài liệu mật, nhạy cảm” không thể cung cấp cho báo chí.
Trước đó, như Báo TN&MT đã thông tin, toàn bộ các công trình xây dựng của khu sinh thái Lưu Gia Trang đã được hoàn thành và đi vào hoạt động phục vụ thực khách gồm nhà hàng 3 tầng, khu nhà khách 2 tầng, quán cafe, núi non bộ, khu vui chơi và hàng loạt các công trình phụ trợ… Phía trước của khu sinh thái được xây dựng cổng kiên cố ngay sát mặt đê, xung quanh là tường gạch được xây cao trên 2m. Phía sau là hàng loạt công trình được xây dựng đua ra mặt sông Đào.
Một công trình tâm linh rộng lớn được xây dựng trong khu sinh thái. |
Cũng theo ghi nhận, tại các lối lên đê sông Đào, đường dẫn vào khu sinh thái Lưu Gia Trang tất cả đều được cắm biển cấm ô tô. Tuy nhiên, phớt lờ biển cấm, chủ khu sinh thái vẫn ngang nhiên sử dụng mặt đê làm bãi đỗ xe ô tô, xe máy cho khách, bất chấp mùa mưa bão.
Trao đổi với PV, bà Đinh Thị Dung, Chủ tịch UBND phường Năng Tĩnh thông tin một cách quanh co. Ban đầu bà Dung cho biết khu đất trên có diện tích trên 6.000m2 do Công ty Trường Thoa nhận chuyển nhượng lại của Công ty Trường Thịnh, trước đó đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với loại hình đất ở.
Tuy nhiên qua trao đổi, bà Dung lại thông tin, diện tích khu đất trên nguồn gốc do Công ty Trường Thịnh thuê lại của nhà nước dưới loại hình đất sản xuất kinh doanh sau đó chuyển nhượng lại cho Công ty Trường Thoa sử dụng.
Dự án Khu sinh thái Lưu Gia Trang rất hoành tráng được đầu tư xây dựng nhiều tỷ đồng, phía trước sát mặt đê, phía sau sát mặt sông và đi vào hoạt động khoảng hơn một năm qua. Dư luận hoài nghi có dấu hiệu sự "chống lưng", "bao che” cho sai phạm của khu sinh thái Lưu Gia Trang của Công ty TNHH Trường Thoa, dẫn đến tình trạng bưng bít thông tin. Đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh Nam Định cần khẩn trương vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ những biểu hiện sai phạm của những cá nhân, tổ chức liên quan.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Theo quyết định số 257/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình ban hành ngày 18/2/2016 quy định các hoạt động phát triển kinh tế xã hội và xây dựng công trình, nhà ở mới theo quy định tại khoản 3, Điều 26 Luật Đê điều chỉ được xem xét đối với một số khu vực mà chiều rộng bãi sông (khoảng cách từ chân đê đến mép bờ của sông) lớn hơn 500m, vận tốc dòng chảy trên bãi tương ứng với lũ thiết kế nhỏ hơn 0,2m/s; diện tích xây dựng không vượt quá 5% diện tích bãi sông. Các khu vực còn lại không được xây dựng công trình, nhà ở mới.
Quyết định cũng nêu rõ, khi sử dụng bãi sông nơi chưa có công trình xây dựng để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình, nhà ở và các dự án phục vụ kinh doanh dịch vụ khác phải lập dự án đầu tư cụ thể, gửi Bộ NN&PTNT thẩm định các nội dung liên quan đến thoát lũ, an toàn đê điều, trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định của Điều 26 Luật Đê điều.