Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024
Chiều ngày 09/01 Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác tài nguyên và môi trường năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động Sở TN&MT.
Báo cáo tại Hội nghị, trong năm 2023 vừa qua, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành, sự cố gắng nỗ lực của toàn ngành tài nguyên và môi trường, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, như:
Đã tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành Quyết định số 16/2023/QĐ-UBND ngày 20/4/2023 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh (thay thế cho Quyết định số 3161 và Quyết định số 3162), đảm bảo sát với yêu cầu thực tiễn, giải quyết đầy đủ quyền lợi cho người bị thu hồi đất.
Công tác GPMB đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt, tỷ lệ diện tích đã hoàn thành GPMB của toàn tỉnh đạt 96,49% so với Kế hoạch (tương đương 2.286,72 ha/2.369,97 ha), gấp 1,47 lần so với năm 2022 (năm 2022 đạt tỷ lệ 65,7%), để thực hiện 726 dự án đầu tư; trong đó có 10 đơn vị đã hoàn thành và vượt kế hoạch (tỷ lệ cao hơn 100%), là năm có tỉ lệ GPMB trên địa bàn tỉnh cao nhất từ trước đến nay.
Khẩn trương tổ chức thẩm định, tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của 27/27 huyện, thị xã, thành phố (năm 2023, huyện phê duyệt sớm nhất vào tháng 6, muộn nhất vào tháng 8; so với năm 2022, huyện được phê duyệt sớm nhất vào tháng 10, muộn nhất vào tháng 12).
Trong năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh đã đấu giá 70,3 ha đất, tổng số tiền trúng đấu giá là 4.486 tỷ đồng. Thẩm định phương án giá đất cụ thể 30 dự án, tổng giá trị quyền sử dụng đất 6.500 tỷ đồng. Số thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh năm 2023, đạt 7.600 tỷ đồng.
Tăng cường việc rà soát các mỏ khai thác khoáng sản đang khai thác, đồng thời tổ chức đấu giá các mỏ mới để đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng phục vụ thi công các công trình trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là dự án Đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua tỉnh Thanh Hoá. Trong năm đã tổ chức đấu giá đối với 47 mỏ khoáng sản, tổng số tiền trúng đấu giá gần 200 tỷ đồng (năm 2022 không đấu giá được mỏ nào), trong đó nhiều mỏ được đấu giá theo hình thức trực tuyến, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.
Công tác bảo vệ môi trường đạt nhiều kết quả tích cực, trên địa bàn tỉnh không phát sinh các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt cao nhất từ trước đến nay, đạt 91,8% (vượt 1,8% so với kế hoạch được giao và vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đến năm 2025).
Thời gian thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được rút ngắn từ 30% trở lên so với quy định (quy định 50 ngày, rút ngắn còn không quá 35 ngày).
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói: Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, năm có ý nghĩa quan trọng, tạo đà bứt phá để thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Theo dự báo, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường về cả chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Biến đổi khí hậu, thiên tai, suy giảm hệ sinh thái tự nhiên đang trở nên khẩn cấp. Các quốc gia ngày càng quan tâm thúc đẩy tăng trưởng xanh, giảm phát thải. Các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, phát thải sẽ là rào cản đối với hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và thâm nhập vào các thị trường các nước phát triển, đặt ra vấn đề về tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát huy các nguồn lực tài nguyên và môi trường cho tương lai bền vững.
Trong bối cảnh đó ngành Tài nguyên và Môi trường phải tiếp tục đặt trọng tâm năm 2024 là năm “Đoàn kết - kỷ cương, chủ động - linh hoạt, kịp thời – hiệu quả, phát triển – bứt phá”
Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025 của tỉnh. Những ý kiến phát biểu, chỉ đạo sâu sắc của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh là những định hướng quan trọng để toàn Ngành tổ chức triển khai kế hoạch năm 2024 và các năm tiếp theo.
Để tổ chức thực hiện có hiệu quả, Sở TN&MT Thanh Hóa đã xác định các nhiệm vụ trong tâm như:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, liên quan về tài nguyên và môi trường; bám sát diễn biến tình hình, thường xuyên kiểm tra, đánh giá để xử lý linh hoạt, kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh, bảo đảm hoàn thành và hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra.
Hai là, khẩn trương ban hành Kế hoạch hành động và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong Chương trình công tác năm 2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024, góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Ba là, tiếp tục tập trung, phối hợp giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, bất cập cho UBND các huyện, thị xã, thành phố; trọng tâm là tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách cho phát triển, các vấn đề liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, tính tiền sử dụng đất, tiến độ thực hiện các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, giải ngân vốn đầu tư công…
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp, công dân; tiết giảm tối đa thời gian và chi phí tham gia thực hiện các TTHC, góp phần tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn.
Năm là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành, gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chấn chỉnh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; xử lý nghiêm các trường hợp gây khó khăn, phiền hà trong thực thi công vụ.