Số phận "Ông Ba Mươi”: Những khó khăn và thách thức

29/07/2019 18:00

(TN&MT) - Ngày 29/7, tại Hà Nội, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với WCS đã tổ chức buổi tọa đàm “Số phận "Ông Ba Mươi” và tình trạng bảo tồn các loài nguy cấp ở Việt Nam, để đánh giá những nỗ lực bảo tồn hổ của Việt Nam" và các chương trình bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp cần được bảo vệ trong tương lai.

Tham dự tọa đàm có các chuyên gia đến từ cơ quan quản lý, các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã trong và ngoài nước cùng một số tổ chức phi chính phủ.

các đại biểu tham dự tọa đàm
Các đại biểu tham dự tọa đàm

Thông tin từ Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam, hiện tại, Việt Nam là một trong số 13 quốc gia còn hổ sinh sống ngoài tự nhiên, song số lượng đang ngày càng suy giảm.

Cụ thể, theo thống kê từ các Chi cục Kiểm lâm, giai đoạn 2001 – 2011, số lượng hổ hoang dã của Việt Nam đã suy giảm từ hơn 100 cá thể xuống chỉ còn khoảng từ 27- 47 cá thể. Nghiêm trọng hơn, số liệu cập nhật năm 2016 của WWF cho thấy, số lượng hổ ngoài tự nhiên của Việt Nam có thể chỉ còn dưới 5 cá thể và được đánh giá là loài đang có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Nhiều dự báo cho rằng, sau sự biến mất của con tê giác cuối cùng năm 2010, hổ sẽ là loài thú lớn tiếp theo của Việt Nam được đưa vào danh sách tuyệt chủng trong tự nhiên.

Tại Hội nghị Bảo tồn Hổ Quốc tế St. Petersburg diễn ra hồi năm 2010, Việt Nam cam kết sẽ tăng gấp đôi số lượng hổ ngoài tự nhiên vào năm 2022. Để thực hiện cam kết này, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 539 phê duyệt Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014 - 2022 nhằm “bảo vệ, bảo tồn hổ, sinh cảnh và con mồi của hổ, góp phần ngăn chặn sự suy giảm, tùng bước phục hồi, cải thiện và tăng số lượng hổ tự nhiên đến năm 2022”. Mặc dù chưa có số liệu thống kê số lượng hổ trong tự nhiên đến giai đoạn hiện tại, các số liệu trên đây đã phần nào cho thấy thách thức khó vượt qua đối với Việt Nam trong việc thực hiện cam kết toàn cầu này.

Theo ông Lê Xuân Cảnh, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật Việt Nam (IEBR): “Từ năm 2014 đến nay, nước ta vẫn chưa thể tìm được nơi thích hợp và đủ điều kiện cho việc bảo tồn hổ. Hiện nay chỉ còn một cách duy nhất đó là nhân giống trong môi trường nuôi nhốt sau đó tái thả về tự nhiên”. Ông nói thêm, Việt Nam vẫn còn tồn tại những cá thể hổ trong tự nhiên cũng như nuôi nhốt, vì vậy, phương án tái thả là khả thi nhất.

Theo Bà Nguyễn Thị Vân Anh – Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Bảo tồn hổ không có nghĩa là chỉ có hổ mà còn là bảo tồn cả các con mồi và sinh cảnh của hổ, tạo môi trường sống cho hổ trước khi nhân giống hổ để tái thả. Điều này không chỉ có ý nghĩa cho dự án bảo vệ hổ ở Việt Nam mà còn là thử nghiệm nhân rộng ra toàn thế giới. Đặc biệt, cần phải phối hợp với chính quyền các nước có chung biên giới như Lào, Campuchia để trao đổi và hợp tác trong công việc này”.
Tại buổi tọa đàm, Đại tá Nguyễn Văn Sáu – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Môi trường khẳng định, công tác tuyên truyền, răn đe, giáo dục có tác động rất lớn đến bảo vệ ĐVHD tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã rất nghiêm túc, nỗ lực trong vấn đề này và thay đổi một số luật liên quan đến bảo vệ rừng như phạt lên đến 15 năm tù đối với một số tội buôn bán sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã. Lực lượng Cảnh sát Môi trường cũng đã triệt phá được rất nhiều vụ án buôn bán ĐVHD và chế biến, sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD.
Tại buổi tọa đàm, WCS và PanNature cũng chính thức khởi động dự án mới Hợp tác chống tội phạm liên quan đến động vật hoang dã do Liên minh Châu Âu tài trợ. Dự án được triển khai nhằm hỗ trợ và thúc đẩy nỗ lực của các chính phủ trong khu vực trong đấu tranh với buôn bán động vật hoang dã thông qua việc tăng cường hợp tác với các tổ chức xã hội nhằm xóa bỏ các chuỗi cung động vật hoang dã bất hợp pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Số phận "Ông Ba Mươi”: Những khó khăn và thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO