Mô hình được tạo ra bởi nhóm sinh viên đang theo học ngành 14KTTT (Kỹ thuật tàu thủy) của Đại học Bách Khoa bao gồm: Võ Anh Khoa, Trần Văn Nhật và Trương Văn Bình. Ngoài ra, sáng chế này còn có sự hỗ trợ của các bạn lớp 17KTTT: Lê Thanh Trãi, Võ Văn Khoa và Đinh Văn Hiệp.
Xuất phát từ ý tưởng làm ra một mô hình thu gom rác thải trên các bãi biển, mặt nước giúp cho những người làm công tác môi trường đỡ vất vả hơn và làm việc hiệu quả hơn, Võ Văn Khoa đã phát thảo kế hoạch ban đầu rồi bàn bạc với những người bạn của mình. Tất cả đều đồng tình với ý tưởng Khoa đưa ra.
Mô hình này có tên gọi đầy đủ là: Phương tiện thủy bộ thu gom rác thải bờ biển, mặt nước. Sau thời gian thực hiện, sáng chế đã đạt giải nhì Hội nghị nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên cấp trường, được chọn triễn lãm tại Festival khoa học trong sinh viên ĐH Đà Nẵng năm 2019 và nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thành đoàn Đà Nẵng.
Vật liệu chính để tạo ra mô hình này là thép và composite (vật liệu tổng hợp). Cấu tạo gồm các bộ phận chính: Hệ thống khung gầm di chuyển, động cơ đẩy dưới nước, cửa thu gom rác thải, băng tải thu gom rác, bộ xử lý rác và thùng chứa rác.
Chiếc máy vận hành trên cạn nhờ hệ thống bánh xích và vận hành dưới nước nhờ hệ thống chân vịt đặt trong ống. Phía trước có cửa thu gom rác được thiết kế đặt biệt giúp tăng diện tích thu gom. Rác thải sẽ được đưa lên hệ thống băng tải lưới có bố trí các gai và lỗ thoát nước (giúp nước và và cát được trả lại môi trường). Sau đó rác sẽ được đưa vào hệ thống xử lý (nén hoặc xay rác nhỏ); sau đó rác sẽ đưa về thùng chứa. Khi nào đầy thì công nhân có thể tháo thiết bị để lấy thùng rác ra.
Theo Khoa, ưu điểm và sự tiện lợi của chiếc máy này là nó mang tính thẩm mĩ và có thể hoạt động ở nhiều địa hình mà hiệu suất làm việc rất cao. Tốc độ tối đa của máy có thể lên đến 12km/h và được chạy bằng điện. Nó có thể chạy 10 giờ đồng hồ liên tục sau mỗi lần sạc. Kết cấu máy đơn giản giúp dễ dàng vận hành, đồng thời chi phí cũng khá thấp.
Nói về những khó khăn ban đầu, Khoa chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất khi thực hiện mô hình này là về tài chính, nhóm phải tự bỏ tiền ra để trang trải hầu hết chi phí. Trang thiết bị phục vụ chế tạo vì tại xưởng không có đủ các thiết bị phục vụ. Nguồn nguyên vật liệu thì không đảm bảo. Kiến thức các chuyên ngành khác, nhóm phải tự học và đọc, nghiên cứu tài liệu rất nhiều”.
Khoa cho biết, trong quá trình thực hiện mô hình, nhóm đã nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình từ thầy hướng dẫn là Thạc sĩ Phạm Trường Thi, sự quan tâm đặc biệt của các cấp lãnh đạo nhà trường và Thành đoàn trong định hướng phát triển sản phẩm.
Nếu chiếc máy này được đi vào sử dụng một cách đại trà, nó sẽ có kích thước to nhất cỡ bằng chiếc ô tô bán tải, chi phí tầm 200-350 triệu đồng. Hiện tại, Thành đoàn Đà Nẵng cùng Hội doanh nghiệp trẻ thành phố sẽ có buổi làm việc với nhóm để bàn hướng chế tạo một chiếc thử nghiệm trước khi đưa vào sản xuất.
“Điều kì vọng và mong muốn nhất khi sáng chế thành công mô hình này là nó có thể được phát triển thành một sản phẩm thực, phục vụ cho việc thu gom rác thải tại thành phố Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung được hiệu quả hơn, trả lại cảnh quan cho môi trường biển được xanh, sạch, đẹp hơn”- Khoa cho biết.