Xã hội

Sinh kế bền vững từ nghề mộc Hoà Phong

Minh Khang 27/03/2024 - 16:22

(TN&MT) - Nằm cách thành phố Hưng Yên khoảng 45 km, xã Hòa Phong (thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) từ lâu vốn nổi tiếng với nghề mộc và sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ gỗ. Thời gian qua, nhờ đầu tư máy móc hiện đại, nghề mộc nơi đây ngày phát triển mạnh, trở thành nghề chính nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định của nhiều hộ dân trên địa bàn.

Xây dựng thương hiệu cho nghề mộc Hoà Phong

Xã Hòa Phong (huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) xưa kia nổi tiếng với nghề làm cày bừa nhưng quá trình cơ giới hóa nông nghiệp phát triển, nhu cầu sử dụng cày bừa không còn nữa. Bởi vậy hơn 20 năm trở lại đây, những người làm cày bừa trong xã đều tìm hướng đi khác cho mình. Đây chính là thời điểm nghề mộc mỹ nghệ Hòa Phong bắt đầu phát triển.

Từ những thợ mộc làm cái cày, cái bừa phục vụ nông nghiệp, những người đàn ông ở xã Hòa Phong tự học nghề lẫn nhau, dần dần ai cũng biết nghề chạm khắc gỗ. Khi nghề mộc phát triển, đã tạo được công ăn, việc làm ổn định cho các hộ dân ở làng, qua đó, người dân ở những thôn khác trong xã cũng bắt đầu đến học nghề. Nhưng điều đặc biệt của nghề mộc ở xã Hòa Phong này, đó là người dân nơi đây vô cùng sáng tạo. Tuy cùng học nghề mộc nhưng mỗi người chủ, mỗi thôn lại đi sâu vào những lĩnh vực khác nhau của nghề mộc.

Năm 2018, toàn xã Hoà Phong hiện có trên 100 xưởng mộc lớn nhỏ, trong đó tập trung nhiều ở các thôn Vân Dương, Thuần Mỹ, Phúc Miếu và Hoà Lạc. Mỗi làng phát triển nghề mộc theo một thế mạnh riêng: Làng Phúc Thọ phát triển nghề mộc dân dụng, làng Phúc miếu chuyên chạm khắc phục vụ các công trình trong nước và một số nước bạn.

lang-nghe-moc-my-nghe-xa-hoa-phong-my-hao-852901.jpg
Xây dựng thương hiệu cho nghề mộc Hoà Phong

Từ những vấn đề trên, tháng 5/2018, HTX mộc mỹ nghệ Hòa Thuận được thành lập với 7 thành viên. Đây là kết quả của một quá trình vận động, xây dựng để thiết thực cụ thể hóa chủ trương phát triển kinh tế tập thể tại xã Hòa Phong, trong đó phát huy tối đa hiệu quả của nghề mộc truyền thống.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, bên cạnh thu hút lao động có tay nghề, HTX chú trọng đầu tư máy móc, công nghệ trong sản xuất. Nếu như trước đây, hầu hết các thành viên trong HTX đều sản xuất thủ công, sử dụng máy móc thô sơ, bán tự động khiến năng suất lao động thấp, tốn nhiều nhân lực thì đến nay hầu hết đã áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất.

Các công đoạn sản xuất như: Xẻ, khoan, cưa, đục, đánh bóng, phun sơn… được thực hiện bằng máy. Việc ứng dụng công nghệ, máy móc vào sản xuất góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và hạn chế được những rủi ro do tai nạn lao động gây ra, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Đến nay, HTX có 3 sản phẩm được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP, hạng 3 sao.

Bà Nguyễn Thị Lý, thành viên HTX cho biết: “Từ khi tham gia HTX, tôi thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất. Không chỉ được hỗ trợ tham gia lớp tập huấn, tiếp cận vốn vay ưu đãi, các thành viên trong HTX còn hỗ trợ, giúp đỡ tôi về máy móc, đầu ra cho sản phẩm. Việc tham gia HTX đã giúp tôi cũng như các thành viên trong HTX tạo ra ưu thế hơn hẳn so với các hộ sản xuất nhỏ lẻ, cá thể như trước đây. Từ việc mua, bán thuận lợi hơn do có cơ sở pháp lý, hóa đơn chứng từ cho đến việc tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề. Nhờ đó, doanh thu bình quân của gia đình đạt trên 1 tỉ đồng/năm.”

Đầu tư máy móc hiện đại để hạn chế ô nhiễm

Bên cạnh ứng dụng máy móc, công nghệ trong sản xuất, HTX chú trọng bảo vệ môi trường. Từ khi thành lập, các thành viên của HTX luôn tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, quây bạt kín, không xả thải ra kênh mương. Trong quá trình sản xuất, HTX tuyên truyền, vận động, nhắc nhở các thành viên, người lao động không bào, chà, phun sơn ngoài vỉa hè, hạn chế sử dụng quạt thổi trực tiếp bụi gỗ, bụi sơn.

Song song đó, Ban giám đốc HTX khuyến khích thành viên lắp đặt máy xử lý bụi gỗ, hoàn thiện nhà xưởng theo hướng khép kín để giảm tác động tiêu cực đến môi trường và cuộc sống của người dân.

Từ đó, thành viên từng bước nâng cao nhận thức, chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường. Tại nhiều cơ sở sản xuất của thành viên, bụi gỗ được thu gom ngay tại vị trí phát sinh bằng hệ thống máy móc. Tình trạng bụi phát tán trong không khí, làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe được giảm đáng kể.

may-moc-4778-1627466750_1200x0.jpg
Máy móc hiện đại giúp giải phóng sức lao động và hạn chế ô nhiễm môi trường

Theo Ban Giám đốc HTX, xã Hòa Phong có khoảng 385 xưởng và cơ sở sản xuất đồ mộc, tạo việc làm cho khoảng 2,7 nghìn lao động với mức thu nhập bình quân từ 7- 9 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, để hạn chế ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của các hộ xung quanh, HTX đã phải họp thành viên và ký cam kết thực hiện khung thời gian làm việc theo quy định, tránh làm tăng ca, thêm giờ, nhất là vào các khung giờ nghỉ ngơi, ảnh hưởng tới những hộ xung quanh.

Đồng thời, các hộ cũng đã có ý thức làm vách che chắn, sử dụng máy hút bụi và phân khu sản xuất, chế biến, hoàn thiện sản phẩm vào từng khu vực phù hợp để hạn chế bụi bẩn, mùi khó chịu trong các khâu hoàn thiện sản phẩm.

Đến nay, 100% các thành viên ký cam kết bảo vệ môi trường với UBND xã. 100% thành viên HTX dành một phần nguồn thu đầu tư hàng tỷ đồng lắp đặt các loại máy móc thiết bị hiện đại, trong đó có máy chạm trổ vi tính để góp phần giải phóng sức lao động, hạn chế tiếng ồn.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất tại địa phương, Chủ tịch HTX HTX mộc mỹ nghệ Hòa Thuận Phạm Thành Lợi cho biết, thời gian tới HTX tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm mộc mỹ nghệ; đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý nhằm mở rộng thị trường nội địa và thế giới; gắn sản xuất với công tác phát triển nhân lực tay nghề cao và hướng tới xây dựng làng nghề truyền thống bền vững; chú trọng phát triển du lịch làng nghề, kết nối các giá trị thương mại với giá trị giải trí cho du khách đến tham quan và mua sắm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sinh kế bền vững từ nghề mộc Hoà Phong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO