Các tấm pin mặt trời được lắp trên mái của tòa nhà công cộng ở Singapore vào ngày 23/9/2018. Ảnh: Thomas White |
Chi phí để lắp đặt năng lượng mặt trời đã mang tính cạnh tranh hơn so với việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, khiến nó trở nên thu hút hơn như một nguồn năng lượng để giảm ô nhiễm và đáp ứng các mục tiêu phát thải.
Ngày 29/10, tại Tuần lễ Năng lượng Quốc tế Singapore, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Chan Chun Sing cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đang phải đối mặt với những thách thức mới và cấp bách về biến đổi khí hậu”.
Theo ông Chan, Singapore là một quốc gia dễ bị ảnh hưởng do mực nước biển dâng cao trong khi thời tiết cũng ngày càng nóng hơn và mưa lớn hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Singapore có ít lựa chọn năng lượng thay thế bởi vì diện tích đất hạn chế, không có tài nguyên thủy điện hoặc địa nhiệt và tốc độ gió thấp.
Để giải quyết những thách thức này, Singapore tập trung vào mở rộng sử dụng năng lượng mặt trời, với công suất đạt mục tiêu ít nhất là 2 gigawatt (GW) vào năm 2030, tương đương với hơn 10% nhu cầu điện năng cao nhất của đất nước hiện nay.
Bên cạnh việc lắp đặt nhiều tấm pin mặt trời hơn cho các tòa nhà, Singapore lên kế hoạch tăng gấp đôi công suất của các mô-đun năng lượng mặt trời nổi trong các hồ chứa của Singapore từ các kế hoạch hiện tại khoảng 160 megawatt (MW) và phát triển các giải pháp như tích hợp các tấm pin mặt trời trên các tầng thượng của tòa nhà.
“Singapore cũng sẽ triển khai hệ thống lưu trữ năng lượng (ESS) 200 MW sau năm 2025 để tăng cường sản xuất điện mặt trời. Trong vòng 10 năm tới, chúng tôi dự kiến năng lượng mặt trời với ESS sẽ đạt được chi phí tương đương như các tuabin khí hiện tại”, ông Chan cho biết thêm.
Tuy nhiên, trong tương lai gần, khí đốt tự nhiên sẽ tiếp tục là nhiên liệu chính của Singapore do cần thời gian để mở rộng các nguồn thay thế trong sản xuất điện.
Singapore lên kế hoạch đa dạng hóa các nguồn khí đốt tự nhiên vào nước này và sẽ tiếp tục phát triển vai trò là trung tâm thương mại cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Nước này cũng đang nghiên cứu kế hoạch xây dựng một nhà nhập khẩu LNG thứ hai và sẽ xem xét cấp thêm giấy phép nhập khẩu.