Siết quản lý ô nhiễm từ nuôi cá lồng bè trên quần đảo Cát Bà

07/07/2016 00:00

(TN&MT) – Hoạt động nuôi cá lồng bè đã và đang gây ra ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển và tiềm năng, cảnh quan du lịch biển Cát Bà. Năm 2016, huyện Cát Hải (TP.Hải Phòng) triển khai “Quy hoạch, sắp xếp các bè nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà” nhằm tăng cường quản lý ô nhiễm trên địa bàn.

Báo động ô nhiễm nguồn nước

Hiện nay, trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà có 486 bè nuôi với hơn 8.600 ô lồng và 463 giàn bè tập trung tại các vịnh Lan Hạ, Bến Bèo, Cát Bà, Gia Luận, Trà Báu. Bên cạnh những hiệu quả mà nghề nuôi lồng bè mang lại thì những mặt trái của nghề này đã và đang là vấn đề hết sức nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển và cảnh quan du lịch biển Cát Bà.

Nguồn thải từ nuôi trồng thủy sản do lượng thức ăn chủ yếu là cá tạp
Nguồn thải từ nuôi trồng thủy sản do lượng thức ăn chủ yếu là cá tạp

Ông Nguyễn Văn Tuân – Phó Chánh văn phòng BQL Di sản quần đảo Cát Bà cho biết: Nguồn thải từ nuôi trồng thủy sản do lượng thức ăn chủ yếu là cá tạp, được chế biến thủ công hay một phần cá ăn không hết rơi xuống đáy biển tích tụ ở đó và một phần trôi sang các khu vực khác. Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở khu vực có lượng lồng bè lớn, hàm lượng muối dinh dưỡng thường cao và hàm lượng oxy hòa tan (DO) thấp nên gây ra sự ô nhiễm hữu cơ, sự nở hoa của các loài tảo, trong đó có tảo độc.

Bên cạnh đó, số dân lao động trên các lồng bè ngày càng tăng nhanh, hiện đạt khoảng 1.022 người lớn và 176 trẻ em cùng vật nuôi trên lồng bè tạo ra một lượng chất thải rất lớn trực tiếp xuống biển. Nguy hại nhất là các chủ hộ sử dụng các phao xốp rẻ tiền, phân hủy nhanh làm vật liệu nâng bè càng làm cho môi trường nước thêm ô nhiễm.

Nuôi cá lồng bè là một trong những tác nhân lớn gây ra ô nhiễm nguồn nước ở quần đảo Cát Bà
Nuôi cá lồng bè là một trong những tác nhân lớn gây ra ô nhiễm nguồn nước ở quần đảo Cát Bà

Mặt khác, các hộ nuôi lồng bè còn kết hợp tổ chức dịch vụ tham quan, ăn uống trên bè. Song song với lượng khách du lịch tăng nhanh (ước tính thu hút tới 1,9 triệu lượt khách mỗi năm), lượng rác thải phát sinh do khách du lịch không hề nhỏ. Trong khi đó, 100% nhà hàng, bè nổi đều có nhà vệ sinh nhưng đều xả thẳng ra biển mà không có hệ thống lọc hay xử lý. Chưa kể mỗi ngày các tàu tại khu lồng bè vẫn tập trung về bến cá Cát Bà xả rác, nước thải, nước la canh gây ô nhiễm dầu, ô nhiễm sinh hoạt cục bộ cho vịnh Cát Bà.

Theo ông Nguyễn Văn Tuân, nuôi cá lồng bè là một trong những tác nhân lớn gây ra ô nhiễm nguồn nước. Ô nhiễm đã khiến cho các rạn san hô đang có xu thế suy giảm. Sự biến đổi độ phủ của các rạn san hô khu vực Đông nam Cát Bà và lân cận cũng có xu thế suy giảm vì bị chết trắng. Tại vùng nước ven bờ, hiện tượng nở hoa thực vật đã gây nên thủy triều đỏ và thủy triều xanh, tác động xấu tới chất lượng môi trường nước, suy giảm đa dạng sinh học và nhiều loài quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Cần tăng cường quản lý chất thải

Được biết, ngày 27/9/2010, UBND TP.Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 1.572/QĐ – UBND về quy hoạch chi tiết phát triển nuôi trồng hải sản vùng biển Hải Phòng đến 2013, định hướng đến 2020. Năm 2016, huyện Cát Hải đã xây dựng các kế hoạch triển khai Nghị quyết số 25 của HĐND thành phố và kế hoạch “Quy hoạch, sắp xếp các bè nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà”. Theo đó, trong năm nay sẽ cắt giảm 30 bè với 578 ô lồng.

Đồng thời, huyện Cát Hải đã tổ chức cuộc vận động “Cải thiện môi trường vịnh”, trong đó tổ chức ra quân thu gom, vớt rác tại vịnh Lan Hạ, Bến Bèo; duy trì lịch thu gom, vớt rác thường xuyên; tập trung tại các vách núi, bãi tắm cũng như phối hợp với BQL vịnh Hạ Long thu gom, vớt rác ở khu vực ráp gianh giữa hai bên.

Về công tác tuyên truyền, vận động các hộ nuôi thực hiện tốt các chủ trương kế hoạch của huyện trong việc quy hoạch, di dời, sắp xếp, huyện đã vận động các hộ nuôi trồng thay thế các phao xốp nâng nổi bè cá và giàn nuôi nhuyễn thế có độ bề kém bằng vật liệu nâng nổi là nhựa có độ bền cao hoặc xốp cứng composite. Đồng thời, yêu cầu các hộ tuân thủ các kỹ thuật nuôi với từng loại đối tượng, bố trí các ô lồng và cụm bè nuôi hợp lý để tăng cường khả năng lưu thông nước.

Ông Nguyễn Văn Tuân - Phó Chánh văn phòng BQL Di sản quần đảo Cát Bà đưa ra một số giải pháp quản lý ô nhiễm từ hoạt động nuôi cá lồng bè ở quần đảo Cát Bà tại cuộc lọp lần thứ 3 Liên minh Hạ Long - Cát Bà
Ông Nguyễn Văn Tuân - Phó Chánh văn phòng BQL Di sản quần đảo Cát Bà đưa ra một số giải pháp quản lý ô nhiễm từ hoạt động nuôi cá lồng bè ở quần đảo Cát Bà tại cuộc lọp lần thứ 3 Liên minh Hạ Long - Cát Bà

Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Văn Tuân vấn đề quản lý ô nhiễm trên địa bàn còn nhiều khó khăn, bất cập; trước hết là trong hệ thống xử lý nước thải. Hiện nay, toàn huyện Cát Hải có hai hệ thống thoát nước riêng biệt là hệ thống thu gom nước thải và hệ thống thoát nước mặt với hai trạm xử lý nước thải Tùng Dinh và Áng Vả. Tuy nhiên, hai trạm xử lý này luôn trong tình trạng quá tải nhất là khi lượng khách du lịch tăng đột biến những tháng vừa qua. Đặc biệt, nước thải tại các khu lồng bè vẫn là vấn đề vô cùng nan giải.

Vấn đề quản lý, xử lý chất thải rắn ở quần đảo Cát Bà cũng còn nhiều vướng mắc. Toàn bộ lượng rác thải phát sinh trong ngày được thu gom và xử lý bằng biện pháp chôn lấp, chưa có bãi xử lý rác hợp vệ sinh cũng như biện pháp phân loại rác tại nguồn, phân loại rác trước khi đưa vào xử lý tập trung.

Ngoài ra, Cát Bà chưa thu hút được các doanh nghiệp lĩnh vực xử lý nước thải và rác thải nhằm mở rộng và xây mới các điểm thu gom, xử lý nước thải và rác thải sinh hoạt, nhất là nước thải từ các hoạt động tàu bè. Các doanh nghiệp trên địa bàn còn nhỏ lẻ, chưa nhận thức sâu sắc về những tác động của ô nhiễm môi trường.

Bài & ảnh: Tuyết Chinh – Vũ Vân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết quản lý ô nhiễm từ nuôi cá lồng bè trên quần đảo Cát Bà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO