Siết chặt quản lý khai thác cát, sỏi ở Quảng Trị - Bài 1: Nhận diện bất cập
Sau 3 năm thực hiện Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ, công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đi vào thực tiễn cuộc sống, nâng tầm quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý khoáng sản. Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít khó khăn, bất cập. Làm thế nào để tiếp tục quản lý, khai thác tài nguyên cát, sỏi bền vững là một “bài toán” mà Quảng Trị cần phải nỗ lực trong thời gian đến.
Nhiều tồn tại
Cuối tháng 7/2023, PV có mặt tại một bãi cát, sỏi ở phường Đông Giang (TP. Đông Hà), hàng ngàn khối cát chất thành đống. Người dân sống xung quanh cho hay, bãi cát này của một người tên K., đã tồn tại nhiều năm nhưng gây ô nhiễm đường sá, bụi bặm “tấn công” vào nhà dân, các phương tiện chở cát và tàu hút cát lên bãi hoạt động xuyên đêm gây tiếng ồn khiến bà con khó ngủ...
“Bãi cát này nằm trong địa bàn khu dân cư. Xe chạy cả đêm cả ngày, ban đêm thì gây ồn, mùa nắng thì bụi, nhà ai cũng đóng cửa, mùa mưa thì cát chảy rất bẩn. Sức khỏe của bà con ảnh hưởng, bị bệnh nhiều. Bãi cát này không thông qua việc lấy ý kiến của người dân địa phương mà cho hoạt động. Không ít lần dân chụp ảnh, quay phim bãi cát thì có người tìm hăm dọa. Ở các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn không có gì tiến triển, dù gặp cả lãnh đạo tỉnh...”, anh Trần Tiến, nhà ở đối diện bãi cát chia sẻ trong sự bức xúc.
Qua đối chiếu với danh sách các bãi, bến thủy nội địa mà Sở GTVT tỉnh Quảng Trị cung cấp cho PV, bãi cát kể trên đã hết hạn từ tháng 4/2022, tức là đã hơn 1 năm qua, bãi này hoạt động “chui”. Cùng với thời điểm PV xuất hiện thì cơ quan chức năng gồm Phòng TN&MT TP. Đông Hà, lãnh đạo phường và công an cũng có mặt để lập biên bản, xử lý bãi tập kết này.
Trước đó vào tháng 3/2023, người dân cũng bất bình do tình trạng khai thác, tập kết cát, sỏi trái phép ở trên và ven bờ sông Thạch Hãn, vùng giáp ranh giữa hai xã Triệu Long, Triệu Ái và thị trấn Ái Tử (huyện Triệu Phong). Sau đó, cơ quan chức năng địa phương đã khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý.
Từ ghi nhận thực tế của PV, rất nhiều bãi tập kết cát, sỏi bến thủy nội địa hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã và đang gây ô nhiễm đường sá, ảnh hưởng đến người dân. Nhiều đoạn đường có biển cấm tải trọng lớn qua cầu, nhưng các xe tải vẫn “vô tư” chở cát quá tải trọng cả ngày lẫn đêm. Đơn cử như đoạn đường đi ngang qua các bãi tập kết cát, sỏi dọc sông Thạch Hãn, thuộc phường An Đôn (thị xã Quảng Trị), nhiều xe tải hàng chục tấn lưu thông dù ở đây chỉ có biển cấm xe trên 13 tấn qua cầu. Hay tuyến đường Nguyễn Hoàng đoạn qua xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị) đi lên các bến thủy nội địa cũng tương tự như vậy, ở đây có 2 cầu hạn chế tải trọng 18 tấn và 1 cầu qua kênh cấp 1 thủy lợi Nam Thạch Hãn hạn chế tải trọng 13 tấn, tuy nhiên xe chở cát 4 trục (cát ướt) tải trọng tầm trên 30 tấn vẫn vô tư chở cát qua các cầu nêu trên.
Ở một số huyện, tình trạng tập kết, kinh doanh cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp hoặc tập kết không đúng địa điểm cấp phép theo quy định vẫn đang diễn ra. Việc quản lý, giám sát quá trình khai thác vận chuyển cát, sỏi của các ngành chức năng vẫn rất lơ là. Xe chở cát, sỏi hoạt động “chui” vào ban đêm rất nhiều. Người dân cũng thắc mắc một điều quan trọng rằng, quá trình nạo vét, khai thác cát, sỏi các doanh nghiệp có thực hiện đúng như giấy phép được cấp hay không?.
Mặt khác, người dân sống ở hai bên các bờ sông đều thấp thỏm với nỗi lo sạt lở. Khi được hỏi về nguyên nhân sạt lở, phần lớn họ đều bảo rằng do tình trạng khai thác cát trộm gây ra. Đêm đến, tiếng máy nổ kêu ầm ầm dưới mặt sông. Bà con lý giải rằng, thuyền bè đến hút cát trong nhiều năm qua đã tạo ra những khoảng trống sâu hun hút trong lòng sông...
Có thể khẳng định rằng, việc thực hiện Nghị định số 23/2020/NĐ-CP trong việc quản lý khai thác cát, sỏi tại Quảng Trị vẫn còn bất cập. Nhiều nội dung tại Điều 10, Điều 11, Điều 12, mục 3 của Nghị định này như: lắp đặt trạm cân, camera; cắm mốc tọa độ khai thác; phương tiện đủ điều kiện; sổ sách, chứng từ chứng minh nguồn gốc cát, sỏi… hầu như chưa được thực hiện hoặc thực hiện sơ sài ở các mỏ và bãi tập kết cát, sỏi.
Tài nguyên cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chủ yếu phân bố trên các sông Thạch Hãn, Mỹ Chánh (thác Ma), sông Hiếu, Bến Hải và sông Nhùng. Tính đến 30/6/2023, trên địa bàn tỉnh có 13 giấy phép khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường do UBND tỉnh cấp đang còn hiệu lực, với tổng trữ lượng 14.611.130 m3, công suất cấp phép 292.000 m3/năm. Trong khi đó, tỉnh có 16 bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi tại bến thủy nội địa, tập trung ở sông Hiếu và sông Thạch Hãn
Xử lý nhưng có hiệu quả?
Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong, Phan Văn Linh cho biết, việc khai thác cát, sỏi trên địa bàn khá phức tạp, vẫn còn tình trạng tập kết, kinh doanh cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp hoặc tập kết không đúng vị trí cấp phép.
“Công tác quản lý của một số địa phương chưa quyết liệt, thiếu sự phối hợp giữa các địa phương và các phòng, ban liên quan nên hiệu quả công tác đấu tranh, xử lý hành vi vi phạm vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, các đối tượng khai thác trái phép ngày càng tinh vi và manh động, lực lượng xã ra đẩy đuổi là chống đối ngay”, ông Linh nói.
Theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh chủ yếu do các cá nhân khai thác với quy mô nhỏ, chủ yếu khai thác về ban đêm (2- 3h sáng) ở các khu vực giáp ranh các huyện nên gây khó khăn cho công tác quản lý, đẩy đuổi. Hậu quả là gây thất thu cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến dân sinh, đất sản xuất của dân, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn...
Thời gian qua, các cơ quan chức năng ở Quảng Trị đã phối hợp xử lý nhiều trường hợp khai thác cát, sỏi trái phép. Theo số liệu từ Công an tỉnh, trong năm 2021, Công an tỉnh phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 47 vụ/47 tổ chức, cá nhân với số tiền 1.333,9 triệu đồng. Năm 2022, phát hiện xử lý và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 116 vụ/4 tổ chức/118 cá nhân, phạt tiền 1.156.654.000 đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Công an tỉnh đã phát hiện xử lý và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 35 vụ/ 45 cá nhân, phạt tiền 468,82 triệu đồng. Trong khi đó, lực lượng Thanh tra Sở GTVT đã chủ động triển khai, phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành xử lý các hành vi vi phạm về chở cát, sỏi quá tải trọng. Tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, đã xử phạt 441 triệu đồng với các hành vi quá tải, quá khổ; xử phạt 21 triệu đồng các hành vi rơi vãi cát, sỏi gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Trường Khoa, Giám đốc Sở TN&MT thừa nhận, việc thực hiện Nghị định 23 ở Quảng Trị vẫn còn nhiều tồn tại, trong đó không lắp trạm cân là vấn đề nan giải, ra nhiều văn bản yêu cầu các cá nhân, doanh nghiệp thực hiện, đồng thời khẳng định, trong thời gian tới sẽ xử lý hành chính các chủ mỏ, các bến bãi không lắp đặt trạm cân và quyết liệt chỉ đạo vấn đề này.
Còn tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Trị diễn ra vào cuối năm 2022, ông Trần Việt Dũng, đại biểu huyện Triệu Phong đã chất vấn và nêu tình trạng các xe có tải trọng lớn chở cát, sỏi lưu thông gây trở ngại cho người tham gia giao thông và hư hỏng công trình giao thông. Mặt khác, việc khai thác cát, sỏi trên sông đã gây sạt lở 2 bờ sông và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân, đã có trường hợp sạt lở dẫn đến chết người tại thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị vào tháng 10/2022.
Ông Nguyễn Trường Khoa nói rằng, trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư nói chung cũng như các dự án liên quan đến khai thác mỏ khoáng sản đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường và được thông qua hội đồng trước khi UBND tỉnh phê duyệt.
“Sở TN&MT tỉnh cũng đã nhiều lần cùng chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát việc khai thác cát, sỏi trên địa bàn. Tuy nhiên, hoạt động này cần sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt của tất cả cơ quan chức năng liên quan”, ông Khoa nói thêm.
Theo ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị, có một thực tế là sau khi triển khai các dự án khai thác, nạo vét cát sỏi lòng sông thì xảy ra sạt lở 2 bên bờ sông. Tình trạng này diễn ra ở nhiều địa phương, nặng nhất là ở bờ sông Thạch Hãn.
“Phải chăng, trong quá trình đánh giá tác động môi trường, dự báo của chúng ta không sát hoặc là không cụ thể. Các giám đốc sở, ngành của tỉnh phải thực sự quyết liệt trong quản lý, giám sát hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi ở địa phương, không để xảy ra sự lo lắng, bức xúc trong nhân dân...”, ông Quang nhấn mạnh.
Nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp ở Quảng Trị cho rằng, việc lắp trạm cân tiêu tốn hằng trăm triệu đồng nhưng nhiều khu vực mỏ cát, sỏi hay bến thủy nội địa có địa hình thấp, mùa mưa lũ ngập nặng và lâu dài nên không biết di chuyển trạm cân thế nào trong khi chi phí đầu tư lớn. Do vậy, mong muốn ngành chức năng có những giải pháp linh hoạt hơn nữa trong quản lý để phù hợp với điều kiện kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp lĩnh vực cát, sỏi…
Bài 2: Tháo gỡ những tồn tại