Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vật tư y tế phòng chống dịch corona

Hoàng Ngân| 02/02/2020 14:06

(TN&MT) - Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi Vũ Hán và những biểu hiện găm hàng, tăng giá bất hợp pháp các loại vật tư y tế, ngày 1/2, Bộ Công Thương ban hành công văn số 156/TCQLTT-CNV về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra.

Sẽ xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá bán thiết bị y tế bất thường

Ngày 01/02/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 31/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường các giải pháp ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra của ngành Công Thương; tiếp theo công văn số 147/TCQLTT-CNV ngày 30 tháng 01 năm 2020, công văn số 149/TCQLTT-CNV và 155/TCQLTT-CNV ngày 31 tháng 01 năm 2020 của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) về việc tăng cường phòng chống dịch nCoV và báo cáo phòng chống dịch nCoV

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các đoàn kiểm tra việc cung ứng, phân phối các trang thiết bị y tế phòng chống dịch, xử phạt các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá trang thiết bị, vật tư y tế, tác động tiêu cực đến thị trường và tâm lý người dân.

Bộ Công Thương yêu cầu Cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố thực thuộc trung ương tăng cường công tác quản lý theo địa bàn, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh của virus corona.

Trường hợp nếu phát hiện các hành vi nói trên thì cần xử lý nghiêm hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật

Chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh và thị trường để kịp thời ứng phó với các trường hợp khẩn cấp tại địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Nếu xuất hiện dấu hiệu khan hiếm đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thiết bị y tế, dược phẩm, xăng dầu, gas, hàng tiêu dùng..., thì báo cáo Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo 389 địa phương và Bộ Công Thương để chỉ đạo, phối hợp triển khai các giải pháp để bảo đảm ổn định cung cầu, lưu thông hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong thời gian dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố quán triệt, chỉ đạo, triển khai quyết liệt công tác phòng chống dịch tới từng đơn vị, công chức trực thuộc, bảo đảm công tác ứng trực thường xuyên trong thời gian diễn ra dịch bệnh (kể cả ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính) để kịp thời cập nhật, báo cáo diễn biến, tình hình và xử lý các tình huống phát sinh trên địa bàn.

Ngoài ra, Bộ yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố thành lập ngay Tổ thường trực phòng chống dịch do 01 lãnh đạo Cục làm Tổ trưởng là đầu mối liên lạc để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và báo cáo công tác phòng chống dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vật tư y tế phòng chống dịch corona
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO