Siết chặt cấp phép – cứu nước ngầm Hà Nội

25/07/2013 00:00

(TN&MT) - Mực nước Hà Nội đang hạ thấp, chất lượng nguồn nước ngầm đang ở mức đáng báo động, hàm lượng asen vượt chuẩn cho phép.Việc giải pháp đang là bài toán...

(TN&MT) - Mực nước Hà Nội đang hạ thấp, chất lượng nguồn nước ngầm của Hà Nội đang ở mức đáng báo động, hàm lượng asen ở một số nơi vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép (TCCP) là kết quả dự báo đáng lo ngại mà Trung tâm Dự báo và Quan trắc Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) công bố mới đây. Tìm giải pháp cho những vấn đề trên là bài toán khó đối với những người làm công tác quản lý tài nguyên nước hiện nay.
   
Hàm lượng asen, amoni quá cao
   
  Mặc dù đang là mùa mưa nhưng gia đình anh Nguyễn Ngọc Thắng ở xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội vẫn phải dè sẻn, tiết kiệm từng giọt nước mưa dành để ăn quanh năm. Mọi sinh hoạt như tắm giặt, rửa rau, vo gạo, tưới cây… gia đình anh đều phải dùng nguồn nước giếng khoan. Đây là nguồn nước chủ yếu phục vụ cho mọi sinh hoạt hàng ngày nhưng cả gia đình đều rất lo lắng khi biết rằng trong nước chứa nhiều tạp chất gây hại cho sức khỏe. Đó là tâm trạng chung của không ít gia đình ở xã Tân Lập, thông tin từ Trung tâm Dự báo và Quan trắc Tài nguyên nước vừa công bố, khu vực xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội là nơi có nguồn nước ngầm bị ô nhiễm tương đối cao. Hàm lượng As cao nhất là 0,15 mg/l (cao hơn TCCP là 15 lần), hàm lượng Mn và NH4+ cũng cao hơn gấp nhiều lần TCCP.
   
  Không chỉ ở huyện Đan Phượng, nhiều địa phương khác của thành phố chất lượng nước ngầm cũng đang là “hồi chuông” đáng báo động. Cụ thể, kết quả phân tích hàm lượng Amôni cho thấy, các mẫu quan trắc trong mùa khô và mùa mưa đều có hàm lượng Amôni (NH4+) cao hơn TCCP (0,1mg/l). Hàm lượng Amôni đặc biệt lớn là 37,7mg/l vào mùa mưa được quan trắc ở công trình xã Phú Lãm, quận Hà Đông, TP.Hà Nội. Hàm lượng As cao hơn TCCP (0,05 mg/l) được quan trắc ở công trình xã Đông Hội, huyện Đông Anh. Hàm lượng Mn cao nhất là 3,07 mg/l được quan trắc tại công trình xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức. Ngoài ra, một số công trình có hàm lượng Mn cao hơn TCCP (0,05 mg/l) phân bố ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh.
   
  Như vậy, tại các huyện ngoại thành, chất lượng nước ngầm đang rất đáng báo động. Nhận định về thực trạng này, các chuyên gia cho rằng, khai thác nước dưới đất vùng nông thôn lỗ khoan đường kính nhỏ và khai thác thủ công nên nếu không cẩn thận các tạp chất rất dễ xâm nhập vào nguồn nước. Trong khi đó, với nhiều lỗ khoan không đúng quy trình kỹ thuật, không được trám lấp đúng cách khi không còn sử dụng cũng  khiến các chất độc hại chui vào mạch nước ngầm.
   
   
Siết chặt cấp phép –  giải pháp tối ưu?
   
  Theo bà Trần Thị Huệ (Cục Quản lý Tài nguyên nước), mặc dù là thành phố khai thác nước ngầm với trữ lượng lớn (khoảng 1.800.000 m3 nước/ngày trong đó khu vực nông thôn là 800.000 m3/ngày) nhưng công tác quản lý tài nguyên nước của Hà Nội còn chưa thực sự hiệu quả. Cụ thể là, công tác cấp phép khai thác chậm và số lượng được cấp phép là không đáng kể. Đến nay chỉ có 71,4% công trình khai thác nước tập trung và 2,3% công trình khai thác nước đơn lẻ được cấp phép.
   
  Để việc khai thác nước dưới đất thực hiện theo đúng quy định của pháp luật nhằm phát triển bền vững tài nguyên nước dưới đất, Tiến sỹ Nguyễn Văn Đản - chuyên gia về tài nguyên nước đề xuất, cần khẩn trương thực hiện cấp giấy phép khai thác theo quy định của Luật Tài nguyên nước. Bởi lẽ, quá trình cấp phép là thời điểm quan trọng để cơ quan có thẩm quyền, các nhà quản lý rà soát xem công trình có đủ điều kiện khai thác không. Đình chỉ các công trình khai thác không hợp lý, các công trình khai thác đang làm suy thoái nước dưới đất. Đối với những hộ gia đình cố tình khai thác mà không có giấy phép cần có các biện pháp xử theo đúng quy định của pháp luật.
   
  Tài nguyên nước ngầm, nếu được quản lý tốt và khai thác một cách hợp lý, sẽ phòng ngừa, hạn chế một cách hữu hiệu các biểu hiện suy thoái, ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước và cung cấp đủ cho nhu cầu dùng nước của người dân Thủ đô. Mong rằng, các cấp có thẩm quyền của Hà Nội nhanh chóng vào cuộc để quản lý nguồn nước ngầm ngày càng tốt hơn.
   
Minh Trang
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt cấp phép – cứu nước ngầm Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO