Senegal sẽ xử lý rác thải nhựa đại dương
Quốc gia Tây Phi này, nơi có những bãi biển trên Đại Tây Dương thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới, là một trong những nước có lượng rác thải nhựa đại dương lớn nhất thế giới mặc dù dân số chỉ có 15 triệu người.
Một nghiên cứu hồi năm 2010 được công bố trên tạp chí Science đã xếp Senegal đứng thứ 21 trong số tất cả các quốc gia về lượng chất thải đổ xuống biển - với 254.770 tấn. Vào thời điểm đó, Senegal chỉ sau Mỹ - nước có nền kinh tế lớn hơn nhiều và bờ biển gấp nhiều lần.
Trên khắp Senegal, các đồ đựng bằng nhựa xuất hiện rải rác khắp các con đường, và rác trôi nổi trên biển.
Tại Senegal, một điều luật ban hành năm 2015 cấm các túi polythene mỏng được sử dụng phổ biến nhất nhưng điều luật này chưa từng được áp dụng. Cửa hàng tạp hóa bọc các vật phẩm riêng lẻ, thậm chí là các miếng phô mai, bơ và cà phê bằng nhựa dẻo.
“Luật pháp không được thi hành. Khi bạn đến các thành phố lớn, bạn sẽ có cảm giác khó chịu bởi ô nhiễm thị giác làm từ rác thải nhựa bao quanh bạn”, Bộ trưởng Môi trường của Senegal, Abdou Karim Sall nói với Reuters.
“Chúng tôi sẽ đi xung quanh các cửa hàng… Chúng tôi có lực lượng an ninh có thể hỗ trợ chúng tôi. Chúng tôi sẽ bắt đầu thực thi luật này” - Abdou Karim Sall nhấn mạnh.
Sau các động thái tương tự ở Kenya và Rwanda, Sall cho biết chính phủ sẽ đưa ra một dự luật mới trong những tháng tới để cấm rác thải nhựa tràn lan, trong đó có cả túi mua sắm dày hơn.
Thực thi pháp luật – Tín hiệu đáng mừng ở châu Phi
“Các nhân viên môi trường sẽ tổ chức các cuộc họp mặt công cộng để tuyên truyền đến mọi người về những tác động tiêu cực của nhựa đối với sức khỏe, đánh bắt và canh tác”, Sall nói.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, sau đó, cảnh sát sẽ thực thi một đạo luật phạt các chủ cửa hàng lên tới 50.000 CFA (tương đương 85 USD) để phân phối các túi, rất nhiều cho một quốc gia có GDP bình quân đầu người 1.500 USD. Những người sản xuất túi mỏng hơn có nguy cơ bị phạt 6 tháng tù giam hoặc 20 triệu đồng CFA (34.000 USD).
Theo Chương trình Môi trường LHQ, 34 quốc gia châu Phi đã cố gắng sử dụng luật pháp để hạn chế sử dụng nhựa kể từ khi Nam Phi cấm túi nhựa vào năm 2003.
Hồi tháng 3/2017, Kenya đã đưa ra một trong những lệnh cứng rắn nhất thế giới: Chỉ cần có hành vi vi phạm về lệnh cấm túi nilon có thể bị phạt tới 4 năm tù hoặc nộp 40.000 USD.
Các siêu thị của Pháp như Carrefour và Auchan cũng phân phối túi nhựa ở Senegal, nhưng vì chúng dày hơn nên luật pháp chưa đưa ra điều luật với loại túi này.
Assietou Drame, phát ngôn viên của Auchan Senegal cho biết siêu thị trên sẽ loại bỏ hoàn toàn việc bán túi nilon và cung cấp túi giấy thay thế. Người phát ngôn của Carrefour cho biết siêu thị thường phân phát túi dệt nhưng đã tạm thời hết.