(TN&MT) - Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Duy Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: Hiện công tác xử lý hồ đập đang được triển khai. Về phía UBND tỉnh Yên Bái sẽ cương quyết chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ sự cố cũng như xử lý nghiêm việc doanh nghiệp gây ra thảm họa “bùn đỏ”.
Khi “quả bom” bùn phát nổ
Theo ông Nguyễn Văn Cường, một người dân sinh sống ở xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên kể lại: Sự việc xảy ra vào lúc chập tối ngày 30/9, ông đang ở trong nhà thì nghe thấy tiếng hô hoán vỡ đập, bà con mạnh ai nấy chạy. Nhiều người chẳng kịp thoát ra ngoài nữa. Một dòng bùn đỏ, khổng lồ tràn tới, tràn vào ruộng vườn, khe suối, nhà dân, sân chợ xã Lương Thịnh ngập băng trong bùn.
Còn ông Đinh Khắc Uyên, Bí thư Đảng ủy xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên cho biết: UBND Xã đã cử các lực lượng chức năng ứng cứu và di chuyển đồ đạc của người dân ra nơi an toàn. Tại những điểm nguy hiểm, xã đã điều lực lượng công an, dân quân trực tại hai đầu không cho người dân đi vào; đồng thời phối hợp với Công ty Cổ phần khoáng sản Tây Bắc khắc phục hậu quả.
Quan sát tại hiện trường, phóng viên thấy: Con đập đất nện đắp quây để chứa bùn thải là của Công ty Cổ phần khoáng sản Tây Bắc. Tại vị trí bị vỡ được đơn vị khai thác gọi là hồ chứa thải bùn đỏ số 3. Theo nhiều người dân cho biết, sau mùa mưa vừa qua, Công ty Khoáng sản Tây Bắc bắt đầu ồ ạt tuyển quặng bán kiếm tiền, bởi vậy lượng bùn thải đọng lại khá lớn, như một “quả bom treo” trên đầu người dân.
Theo báo cáo ban đầu: dưới các chân đập bùn của các hồ chứa do Công ty CP Khoáng sản Tây Bắc làm chủ đầu tư đều có người dân sinh sống cách dưới thân đập bị vỡ vài trăm mét. Sự cố vỡ đập không gây ảnh hưởng đến nhà cửa, nhưng lượng bùn lại vùi lấp nhiều ruộng lúa đang chuẩn bị thu hoạch; có 3 hộ dân sinh sống phía trong đã bị lũ bùn chia cắt, hệ thống điện sinh hoạt khu vực này cũng bị gẫy đổ và một số hoa màu, gia súc bị cuốn trôi.
Cần đình chỉ hoạt động, sản xuất để làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND xã Lương Thịnh (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) cho biết: Hiện tại, những người dân thôn Lương Thiện cùng lực lượng chức năng vẫn đang tích cực khắc phục hậu quả của sự cố vỡ đập bùn thải của Cty CP Khoáng sản Tây Bắc. Ông Hùng chia sẻ: Hàng nghìn mét khối bùn thải đã tràn ra khỏi hồ đập, chảy xuống thôn Lương Thiện khiến cho nhiều diện tích hoa màu của bà con bị thiệt hại, trục đường chính bị cô lập trong nhiều giờ. Điểm xảy ra sự cố tại thân đập số 3 điểm mỏ sắt 409 của Công ty Cổ phần khoáng sản Tây Bắc. Theo phía công ty, đây là địa điểm khai thác kết hợp với tuyển quặng thô, do địa hình trên đồi cao nên công ty đã thiết kế hệ thống 3 đập xả thải hình bậc thang với dung tích chứa khoảng nửa triệu m3. Con đập bị vỡ chính là đập cuối cùng của công đoạn xả thải, chủ yếu gồm bùn và nước. Hiện trường nơi bị bục vỡ là phần giữa của thân đập có chiều dài khoảng 50 m, chiều cao 7 m. Toàn bộ thân đập được đắp bằng đất và đá. Nhiều người cho rằng do phần thân đập bị ngấm nước lâu ngày, nền đất yếu nên đã xảy ra sự cố trên. Theo thống kê, đã có khoảng 5.000 m3 bùn và nước thải tràn xuống phía dưới là thôn Lương Thiện và thôn Đoàn Kết, khiến một hộ dân bị bùn thải tràn vào nhà. Đồng thời, “lũ bùn” cũng vùi lấp khoảng 2 ha lúa chuẩn bị thu hoạch của 32 hộ dân, chia cắt nhiều đoạn đường đi và điện sinh hoạt của ba hộ dân nằm sâu trong khu vực.
Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Đăng Luận - Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên - cho biết: "Sự cố vỡ đập không gây thiệt hại về người, nhưng đã ảnh hưởng về tài sản và cuộc sống của bà con”. Tuy nhiên, khi hỏi về vấn đề có nên cấm khai thác quặng nữa hay không thì ông Luận từ chối trả lời. Phóng viên tiếp tục liên lạc với một Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, nhưng do bận họp nên ông này không trả lời.
Trao đổi với Luật sư Hà Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: Việc Công ty CP Khoáng sản Tây Bắc không tuân thủ các quy định về khai thác khoáng sản, không đảm bảo an toàn trong hoạt động sản xuất, gây ra nhiều hậu quả thiệt hại nghiêm trọng về môi trường và đời sống của người dân, thì cần thiết phải đình chỉ hoạt động để làm rõ nguyên nhân và xác định trách nhiệm rõ ràng của Công ty này. Nếu cố tình vi phạm, UBND tỉnh Yên Bái cần rút giấy phép hoạt động, các Bộ ngành cần rút giấy phép khai thác mỏ để đảm bảo an toàn cho các hộ dân cũng như môi trường trước khi quá muộn.
Bài & ảnh: Nhật Lam – Hà Thúy