Sẽ cưỡng chế công ty Đất Lành để thu phí bảo trì chung cư 2%

29/08/2016 00:00

(TN&MT) – Ngày 24-8, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Đỗ Phi Hùng ký văn bản số 13276 yêu cầu Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành, chủ đầu tư chung cư Thái An ở...

 

(TN&MT) – Ngày 24-8, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Đỗ Phi Hùng ký văn bản số 13276 yêu cầu Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành, chủ đầu tư chung cư Thái An ở số 2290 Quốc lộ 1A phường Trung Mỹ Tây (quận 12, TPHCM) phải bàn giao 2% kinh phí bảo trì chung cư này cho Ban quản trị, nếu không sẽ bị cưỡng chế.

Trước đó, hơn 100 hộ dân chung cư Thái An đã có đơn kêu cứu gửi Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường. Sau khi xuống hiện trường tìm hiểu vụ việc, Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường đã đăng tải 2 bài “Hơn 100 hộ dân chung cư Thái An – Trung Mỹ Tây 10 năm chưa được cấp sổ hồng” (3/7/2016) và bài “Vụ chung cư Thái An: chủ đầu tư nói dân cứ kiện ra tòa” (4/7/2016).

Chủ đầu tư không chịu trả phí bảo trì 2% cho dân

Nội dung vụ việc, theo Ban quản trị chung cư Thái An, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa chịu chuyển phí bảo trì 2% cho Ban quản trị chung cư quản lý dù nơi này đã có rất nhiều văn bản gửi chủ đầu tư và các cơ quan chức năng.

Đơn cử, tại văn bản số 01/2014 ngày 7-4-2014 của Ban quản trị Chung cư Thái An có kiến nghị việc người dân chưa được cấp sổ hồng và đề nghị chủ đầu tư nộp kinh phí bảo trì 2% (khoảng 2 tỉ đồng), bàn giao bản vẽ và các hồ sơ liên quan đến tòa nhà cho Ban quản trị. Tuy nhiên, tám ngày sau (15-4-2014) chủ đầu tư có văn bản số 43 trả lời: “Đất Lành không thu 2% kinh phí bảo trì là muốn giảm tiền đóng cho cư dân khi nhận bàn giao nhà và Đất Lành không muốn quản lý số tiền này. Đây là một số tiền rất lớn nhưng hiện nay luật cũng chưa có quy chế cụ thể để quản lý khoản kinh phí này. Việc thu và quản lý số tiền trên sẽ do cư dân và Ban quản trị tự giải quyết”.

Ông Trịnh Tiến Đức, Trưởng ban Quản trị chung cư Thái An, viện dẫn Khoản 4 Điều 108 Luật Nhà ở 2014. Theo đó “trường hợp chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư sau ngày 1/7/2006 mà trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở không có thỏa thuận về kinh phí bảo trì thì chủ đầu tư phải đóng khoản tiền này.”

“Các hợp đồng mua bán, góp vốn căn hộ Thái An đều do chủ đầu tư Đất Lành ký với dân sau ngày 1/7/2006. Cho nên Đất Lành phải trả cho dân, thông qua Ban quản trị phí bảo trì 2% trên, khoảng 2 tỉ đồng để Ban quản trị gửi vào một ngân hàng thương mại nhằm lấy lãi phục vụ việc bảo trì cho cư dân tại chung cư. Chủ đầu tư không có quyền trốn tránh nghĩa vụ này, nếu trốn tránh thì phải bị cưỡng chế theo luật định. Đó là chưa nói phần lãi phát sinh gần 10 năm qua của phí bảo trì mà chủ đầu tư không chịu trả cho dân, cũng gần 2 tỉ đồng nữa, phải được trả đủ cho người dân” - ông Đức bức xúc.

UBND TP.HCM sẽ ra quyết định cưỡng chế Đất Lành?

Sau khi báo điện tử Tài nguyên và Môi trường đăng tải, Sở Xây dựng TP.HCM đã vào cuộc. Mới đây, ngày 24-8, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Phi Hùng đã ký văn bản như trên. Theo đó, Sở Xây dựng yêu cầu Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành phải có văn bản báo cáo, giải trình về việc trên gửi về Sở Xây dựng trước ngày 30-8-2016. “Quá thời hạn trên, nếu Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành không có báo cáo gửi về Sở Xây dựng thì Sở Xây dựng sẽ có báo cáo gửi UBND TP.HCM có biện pháp chế tài theo quy định tại Điều 37 Nghị định số 99 ngày 20-10-2015 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở”, văn bản do Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Phi Hùng, khẳng định.

Theo Điều 37 Nghị định 99 về thủ tục cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư thì trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định tại Điều 36 của Nghị định này hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng hạn theo quy định thì giải quyết như sau:

a) Ban quản trị có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà chung cư yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định tại Điều 36 của Nghị định này.

b) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Ban quản trị, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, kiểm tra. Nếu các bên đã quyết toán số liệu kinh phí bảo trì theo quy định tại Khoản 4 Điều 36 của Nghị định này mà chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao kinh phí bảo trì thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải có văn bản yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí cho Ban quản trị. Trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chủ đầu tư phải bàn giao kinh phí bảo trì này.

Trường hợp các bên vẫn chưa lập biên bản quyết toán số liệu kinh phí bảo trì thì các bên phải thống nhất quyết toán số liệu và bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Việc bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư phải lập thành biên bản có xác nhận của chủ đầu tư và đại diện Ban quản trị. Sau khi bàn giao kinh phí này, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh biết.

c) Trường hợp quá thời hạn quy định tại Điểm b Khoản này mà chủ đầu tư vẫn không thực hiện bàn giao kinh phí bảo trì thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho Ban quản trị và gửi quyết định này cho chủ đầu tư, Ban quản trị và tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản. Trong quyết định cưỡng chế, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải ghi rõ số kinh phí chủ đầu tư phải bàn giao sau khi trừ kinh phí mà chủ đầu tư phải sử dụng để bảo trì phần sở hữu chung (nếu có), thời hạn bàn giao, biện pháp cưỡng chế và trách nhiệm của các bên liên quan để thực hiện quyết định này.

d) Biện pháp cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì bao gồm việc buộc chủ đầu tư phải chuyển giao kinh phí bảo trì được gửi từ tài khoản đã lập theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 của Nghị định này hoặc chuyển kinh phí từ tài khoản khác của chủ đầu tư sang tài khoản do Ban quản trị quản lý hoặc xử lý tài sản của chủ đầu tư. Việc cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư được thực hiện trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định cưỡng chế. Kinh phí phải bàn giao là toàn bộ số tiền bảo trì (cả gốc và lãi) theo số liệu kinh phí mà các bên đã quyết toán. Nếu các bên không thống nhất quyết toán số liệu thì bàn giao theo số liệu ghi trong quyết định cưỡng chế của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

đ) Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cưỡng chế của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức tín dụng đang quản lý tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì nhà chung cư hoặc quản lý tài khoản khác của chủ đầu tư theo quyết định cưỡng chế có trách nhiệm chuyển kinh phí sang tài khoản do Ban quản trị lập để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về nhà ở và quyết định cưỡng chế. Trường hợp phải xử lý tài sản của chủ đầu tư để thu hồi kinh phí bảo trì cho Ban quản trị thì trong quyết định cưỡng chế, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải nêu rõ biện pháp xử lý tài sản, trách nhiệm của đơn vị xử lý tài sản, hình thức xử lý và việc chuyển giao kinh phí thu hồi cho Ban quản trị.

Trong quá trình thực hiện cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì, nếu phát hiện chủ đầu tư có hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư phải được lập thành biên bản có xác nhận của chủ đầu tư và đại diện Ban quản trị. Trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thì phải có thêm xác nhận của bên tổ chức cưỡng chế và đại diện tổ chức tín dụng thực hiện chuyển kinh phí này hoặc đại diện của bên xử lý tài sản của chủ đầu tư (nếu có xử lý tài sản của chủ đầu tư).

Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục theo dõi, phản ánh vụ việc này.

Trọng Mạnh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ cưỡng chế công ty Đất Lành để thu phí bảo trì chung cư 2%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO