Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu tại buổi họp báo |
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết: Hiện nay khoa học Việt Nam đang trong giai đoạn thay đổi. Vào năm 1959, chúng ta tập trung mọi nguồn lực giải phóng đất nước, thống nhất Nam - Bắc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Lúc đó công nghiệp còn non trẻ, khoa học không được áp dụng đáng kể, chỉ có một số nhà khoa học lớn, nhà trí thức Việt Kiều về làm ở viện nghiên cứu và Ủy ban Khoa học Nhà nước.
Sau đó đến giai đoạn chống Mĩ cứu nước, phục vụ sản xuất miền Bắc, vào thời điểm đó khu công nghiệp cũng không có nhiều, còn rất sơ khai. Phải đến năm 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, vai trò của khoa học thay đổi và có nhiều bước đột phá, bắt đầu có các chương trình nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực Toán – Lý - Hóa và phát triển cho các ngành ở cả miền Nam và miền Bắc.
Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, tiếp đến thời kỳ Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 trong bối cảnh Việt Nam “mở cửa” với thế giới, chúng ta muốn phát triển, buộc phải có tri thức, và khi đó muốn hội nhập, một trong những lĩnh vực tiên phong là khoa học công nghệ.
Sau năm 1976 để phát triển xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đầu tư cho khoa học công nghệ, chúng ta đã luật hóa các băn bản liên quan đến khoa học công nghệ, đặc biệt sau những năm 2010 trở về đây, những văn bản liên quan đến khoa học ngày càng nhiều (như: Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Công nghệ cao…)
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết: Qua Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ KH&CN, Bộ muốn gửi thông điệp đến toàn thể xã hội về vai trò của khoa học công nghệ trong ngày nay gồm: Phát triển kinh tế, giữ vững chủ quyền an ninh quốc phòng.
Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, đất nước chúng ta sẽ không phát triển được, không giàu có được nếu không đầu tư cho khoa học công nghệ. Vingroup, Vietel… đã dành khoản đầu tư tương đối lớn cho khoa học công nghệ.
Quang cảnh họp báo |
Thứ trưởng Phạm Công Tạc đánh giá việc đầu tư của các đơn vị trên cũng như thành lập các viện nghiên cứu là mô hình mới, hướng đầu tư mới và thể hiện sự quan tâm của các đơn vị về lĩnh vực khoa học công nghệ.
Ông Phạm Công Tạc cho rằng ở các quốc gia phát triển, trong đó có Việt Nam, không chỉ Chính phủ đầu tư cho khoa học công nghệ mà cả doanh nghiệp cũng đầu tư cho lĩnh vực này.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang, những mốc son quan trọng trong chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển (từ năm 1959 – 2019); tri ân và biểu dương những đóng góp của các thế hệ cán bộ khoa học và công nghệ qua các thời kỳ, trong hai ngày (29-30/11/2019), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Bộ KH&CN sẽ tổ chức Lễ Kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết: Tại Lễ Kỷ niệm, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Lễ Kỷ niệm là dịp để các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Khoa học và Công nghệ điểm lại những trang sử vẻ vang đã qua và thể hiện quyết tâm đoàn kết, nhất trí đưa nền khoa học và công nghệ của nước nhà phát triển mạnh mẽ, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân.
Một trong những hoạt động quan trọng bên lề Lễ Kỷ nhiệm là Triển lãm thành tựu 60 năm của Ngành KH&CN. Triển lãm được chia thành 2 khu vực: Khu vực thứ nhất gồm 55 gian hàng của các doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ tiêu biểu có nhiều thành tích trong hoạt động khoa học và công nghệ, có sản phẩm, dịch vụ đã được ứng dụng thành công. Khu vực thứ hai là khu trưng bày lịch sử, truyền thống phát triển của ngành khoa học và công nghệ; Hội thảo “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững”. |