Sau vụ cháy chung cư Carina Plaza: Tìm giải pháp an toàn khi cháy nổ ở chung cư

05/04/2018 16:27

(TN&MT) – Đó là nội dung của buổi hội thảo “Giải pháp an toàn khi cháy nổ ở chung cư” vừa diễn ra tại TPHCM với sự tham gia của gia của đại diện Sở Xây dựng TPHCM, đại diện Cảnh sát PCCC TPHCM, các luật sư, các chủ đầu tư và nhiều cư dân đang sống tại một số chung cư trên địa bàn TPHCM.

 

Những ngày vừa qua, vấn đề an toàn phòng chống cháy nổ đặc biệt được người dân quan tâm. Nhất là, sau vụ cháy chung cư Carina Plaza trên đường Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8, TPHCM làm 13 người chết và 51 người bị thương không chỉ khiến người ta đau lòng mà còn gióng lên hồi chuông báo động trong công tác bảo đảm an toàn cho cư dân sinh sống trong các chung cư cao tầng.

Đại tá Huỳnh Ngọc Quang - Trưởng phòng hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy (Sở Cảnh sát PCCC TPHCM) cho biết, trong năm 2017 trên địa bàn TPHCM xảy ra trên 1.000 vụ cháy, làm chết 26 người, bị thương 44 người, thiệt hại về tài sản khoảng 92,5 tỉ đồng. Trong đó, xảy ra cháy nhiều nhất là nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất nhỏ lẻ (chiếm 40%). Nguyên nhân cháy chủ yếu là do sự cố hệ thống, thiết bị điện.

chay chung cu

Riêng 3 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 120 vụ cháy, trong đó có 1 vụ cháy nghiêm trọng tại chung cư Carina Plaza, quận 8, làm chết 13 người và làm bị thương hơn 50 người. Số liệu trên cho thấy, tỷ lệ cháy nổ tại chung cư so với với nhà phố riêng lẻ chưa phải là cao nhưng hậu quả để lại thì không thể lường hết được. 

Đáng lo ngại hơn, trong 1.037 chung cư tại TPHCM hiện nay, có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 đã hết niên hạn sử dụng, không có hệ thống phòng cháy chữa cháy nhưng lại tồn tại nhiều căn hộ được cơi nới, rào chắn, không có lối thoát hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ… Nhiều chung cư cao ốc nằm trong hẻm nhỏ gây khó khăn trong công tác PCCC, chung cư mới xây chưa nghiệm thu vẫn bàn giao cho dân vào ở, chưa có ban quản trị… cũng tiềm ẩn các rủi ro lớn về người và tài sản. 

“Trước đây, chỉ trong vòng 1 tháng trên địa bàn thành phố có tới 22 người chết do các vụ cháy ở các nhà riêng lẻ, căn hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh. Vì thế không riêng gì chung cư mà đâu cũng vậy, nếu không có ý thức chấp hành an toàn PCCC thì cũng xảy ra nguy cơ cháy nổ. Đặc biệt với chung cư, đến nay số vụ cháy ít hơn so với nhà phố nhưng nếu không can thiệp kịp thời thì hậu quả rất nguy hiểm, khôn lường”, Đại tá Huỳnh Ngọc Quang chia sẻ.

Theo Đại tá Huỳnh Ngọc Quang, để hạn chế mức thấp nhất về cháy nổ ở các khu chung cư, chính quyền TPHCM, Hà Nội và nhiều địa phương đang siết lại công tác PCCC ở các cao ốc, tòa nhà trên địa bàn. Mới đây, UBND TP.HCM đã ban hành Chỉ thị số 04/CT – UBND ngày 29/3/2018 “Về triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC đối với chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn thành phố”. Đây là những việc làm cần thiết để hạn chế tối đa sự cố hỏa hoạn, các chung cư, cao ốc”,

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở (Sở Xây dựng TPHCM) cho rằng, nếu không có ý thức PCCC thì nhà ở riêng lẻ cũng có nguy cơ cháy nổ, chứ không riêng gì chung cư. Với chung cư, cần thiết ý thức tự giác, chấp hành của bản quản trị và người dân. 

chay chung cu 1

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, trong những năm gần đây tại TPHCM, việc xây dựng, phát triển chung cư, nhà cao tầng diễn ra mạnh mẽ. Cụ thể, trong 5 năm trở lại đây, tỉ lệ phát triển căn hộ chiếm 24,6% tổng số xây dựng mới, trước đây chỉ chiếm tối đa khoảng 10%. Việc phát triển nhà chung cư với tốc độ nhanh như hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách về nhà ở cho người dân thành phố, nhưng gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước. Trong số đó có 7 chung cư chưa nghiệm thu nhưng chủ đầu tư vẫn đưa người dân vào ở. Thanh tra Sở Xây dựng đang tiến hành kiểm tra và sẽ báo cáo UBND thành phố khi kết thúc thanh tra. 

Ông Nguyễn Thanh Hải cho rằng, để đảm bảo an toàn cháy nổ, trước hết cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, tập huấn cho chủ đầu tư, ban quản lý cũng như cư dân về công tác quản lý vận hành, sử dụng an toàn các thiết bị nhà chung cư. ”Người dân chung cư sống ở chung cư nhưng không mấy quan tâm đến công việc chung. Có một thực tế là sống trong môi trường tập thể như nhà chung cư nhưng ý thức trách nhiệm của người dân chưa cao. Công tác tuyên truyền cần phải sâu rộng, đặc biệt cho cư dân sống ở chung cư cũng như các chủ thể khác”- ông Hải cho biết.

 Ngoài ra, đại diện cơ quan PCCC TPHCM cũng chỉ ra những giải pháp sắp tới như: Nắm lại toàn bộ công tác an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố; tăng cường giám sát, kiểm tra công tác an toàn PCCC tại khu dân cư; xây dựng lực lượng PCCC địa phương vững mạnh; Cảnh sát PCCC phối hợp với các quận, huyện tổ chức các phương án diễn tập PCCC, kỹ năng thoát hiểm cho người dân…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sau vụ cháy chung cư Carina Plaza: Tìm giải pháp an toàn khi cháy nổ ở chung cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO