Sang tỉnh bạn "cõng" nước sạch, điện sinh hoạt

30/10/2015 00:00

(TN&MT) - Mặc dù ở 2 ven đường Hồ Chí Minh (QL14) nhưng gần 20 năm nay, hàng chục hộ dân ở thôn 1 (xã Ea H'leo, huyện Ea H'leo, Đắk Lắk) vẫn phải sống trong...

 

(TN&MT) - Mặc dù ở 2 ven đường Hồ Chí Minh (QL14) nhưng gần 20 năm nay, hàng chục hộ dân ở thôn 1 (xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) vẫn phải sống trong tình trạng thiếu điện, nước sinh hoạt. Nhiều lần kiến nghị nhưng không được các ngành chức năng quan tâm, các hộ dân ở đây phải sang tỉnh Gia Lai để kéo điện “ké” và mua nước sạch về dùng.

Nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn nên người dân thông 1 phải mua nước bình để ăn uống
Nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn nên người dân thông 1 phải mua nước bình để ăn uống

Cả thôn mua nước sạch

Từ TP. Buôn Ma Thuột, chúng tôi vượt hơn 100km đường QL14 để đến thôn 1 (xã Ea H’leo). Được thành lập từ năm 1998 trên diện tích khoảng 480ha, thôn 1 hiện có 94 hộ dân với 392 nhân khẩu. Trong số này, có 10 hộ tạm trú, 14 hộ nghèo và 7 hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số (Mường, Thái).

Theo ông Bùi Trọng Luận - Trưởng thôn 1, trước đây, suối Ea H’leo là nơi duy nhất cung cấp nước sinh hoạt cho tất cả các hộ dân trong thôn. Nhưng từ khi nhà máy mì của Công ty TNHH Thành Vũ đi vào hoạt động (năm 2006) và xả thải gây ô nhiễm nguồn nước trong suối, nhiều hộ dân trong thôn buộc phải chung tiền nhau thuê người đào giếng. Riêng gia đình ông đã phải ra hàng chục triệu đồng để thuê người đào giếng nhưng liên tục gặp phải đá nên lần đào thứ 4 giếng mới có nước.

Sau vài lần nấu, đáy nồi xuất hiện lớp váng màu trắng dày đặc
Sau vài lần nấu, đáy nồi xuất hiện lớp váng màu trắng dày đặc

Thế nhưng, do cấu tạo địa chất khu vực này nhiều đá vôi, nước ngầm bị nhiễm phèn nên người dân nơi đây chỉ dùng để tắm giặt, tưới cây trồng chứ không thể sử dụng ăn uống. Chị Nguyễn Thị Hiếu, ở thôn 1 chia sẻ: “Lúc đầu, gia đình tôi cũng dùng nước ở dưới giếng để sinh hoạt. Nhưng từ khi thấy các đáy nồi xuất hiện 1 lớp váng màu trắng dày đặc sau khi nấu, chúng tôi sợ nước bị ô nhiễm nên đã chuyển sang mua nước bình để nấu ăn và uống. Với giá 12.000 đồng/bình, cứ 3-4 ngày là gia đình tôi phải đổi 1 bình 20 lít”.

Thôn trưởng Bùi Trọng Luận cho biết thêm: “Hiện tại, toàn bộ các hộ dân trong thôn đều phải mua nước đóng bình để ăn uống nhưng vẫn còn khoảng 30 hộ đang sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt. Vào mùa khô, có khoảng 80% hộ dân trong thôn phải đánh xe máy cày sang xã Ia Le, huyện Cư Pưh, tỉnh Gia Lai (giáp ranh với thôn) để xin nước, thậm chí mua với giá đắt đỏ (200.000 - 300.000 đồng/1 tẹt 3m3).”

Hàng chục hộ dân ở thôn 1 phải sử dụng chung 1 đồng hồ điện kéo từ tỉnh Gia Lai
Hàng chục hộ dân ở thôn 1 phải sử dụng chung 1 đồng hồ điện kéo từ tỉnh Gia Lai

“Ké” điện yếu, giá cao

Không chỉ thiếu nước sinh hoạt, người dân ở thôn 1 còn phải chịu cảnh thiếu điện gần 20 năm qua. Ông RChăm Y Le - Phó Chủ tịch UBND xã Ea H’leo, chia sẻ: “Từ khi thành lập đến nay, người dân thôn 1 đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền về tình trạng thiếu điện nhưng hiện vẫn chưa được quan tâm, xem xét. Cực chẳng đã, nhiều hộ dân chung tiền mua dây, dựng cột để kéo điện từ huyện Cư Pưh (tỉnh Gia Lai) về dùng”.

Ông Hoàng Quốc Bảo (ở thôn 1) kể: “Liên tục kiến nghị nhưng mãi chẳng thấy họ đầu tư, cách đây vài năm, hàng chục hộ dân trong thôn đã sang Điện lực huyện Cư Pưh để xin bắc điện. Nhưng do thủ tục quá rườm rà, chúng tôi đã tự đóng góp tiền bạc, công sức để mua dây, dựng trụ rồi sang xã Ia Le (huyện Cư Pưh) xin kéo điện “ké” của các gia đình có hợp đồng dùng điện. Do hàng chục hộ dân cùng sử dụng chung 1 đồng hộ điện, đường dây dẫn dài nên điện rất yếu và giá thành luôn ở mức cao”.

Nhà chỉ dùng 3 bóng đèn compact dạng chữ U (loại bóng tiêu thụ ít điện năng), 2 quạt điện, 1 nồi cơm điện và 1 cái tivi nhưng hầu như tháng nào gia đình anh Lê Duy Thủy (ở thôn 1) cũng phải bỏ  ra hơn 200.000 đồng tiền điện. Đơn cử như tháng 9 vừa qua, nhà anh Thủy sử dụng 65KW điện nhưng phải trả đến 267.000 đồng. “Nếu trừ đi 10.000 đồng tiền công cho người đi thu - nộp tiền điện, gia đình tôi phải trả gần 4.000 đồng/1KW điện. Giá thành cao đã đành, nhiều thời điểm điện yếu tới mức quạt chẳng quay, cơm chẳng thể chín” - anh Thuỷ giải bày.

Việc kéo dây điện qua gầm cầu thường xuyên bị ngập nước vào mùa mưa tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn
Việc kéo dây điện qua gầm cầu thường xuyên bị ngập nước vào mùa mưa tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn

Không chỉ vậy, việc kéo đường dây điện chạy dài dọc đường QL14 và qua cầu 110 (ranh giới giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai) còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Chị Nguyễn Thị Hiếu kể: “Sau cơn bão số 3 vào tháng 9 vừa qua, cột điện bị hư hỏng và đường dây điện bị vùi lấp xuống suối Ea H’leo, đoạn đi qua cầu 110. Hàng chục hộ dân chúng tôi đã ra cầu đào đất, móc đường dây dưới suối lên và chặt cây dựng lại cột. Biết là rất nguy hiểm nhưng chúng tôi cũng phải “liều mình” kéo ánh sáng điện về cho con cái học tập”.

Ông Adrơng Y Khuyen - Chủ tịch UBND xã Ea H’leo, cho biết: “Trong các lần tiếp xúc cử tri gần đây, người dân thôn 1 liên tục phản ánh việc họ phải mua điện yếu với giá cao, có thời điểm lên tới 7.000đồng/1KW. Xã cũng đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền xem xét, đầu tư hệ thống điện và nước sạch cho thôn này nhưng hiện vẫn chưa có phản hồi”.

Lê Phước

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sang tỉnh bạn "cõng" nước sạch, điện sinh hoạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO